Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TSN - TP HCM), liên tục trong nhiều ngày gần đây, dù không xảy ra sự cố và cũng chẳng phải giờ cao điểm nhưng vẫn xảy ra tình trạng kẹt xe không lối thoát.
Hỗn loạn
Cụ thể, ngày 4-8, dù đã qua giờ cao điểm buổi trưa nhưng ùn ứ vẫn xảy ra ở đường Trường Sơn - Trần Quốc Hoàn và nhiều tuyến đường xung quanh khu vực cửa ngõ sân bay TSN. Nhiều đoạn, ô tô liên tục chuyển làn để ra vào các cao ốc bên đường hoặc quay đầu, gây xung đột cho các chiều lưu thông khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
“Xe ngày càng nhiều, kẹt là phải. Thử hỏi đường Trường Sơn, Hoàng Văn Thụ với các cao ốc, tòa nhà văn phòng chứa dày đặc xe hơi, xe máy kiểu như bây giờ thì không kẹt mới lạ” - ông Nguyễn Văn Phúc, một người dân trên đường Trần Quốc Hoàn, nói.
18 giờ ngày 10-8, nhờ người đẩy chiếc xe tay ga nặng nề lên vỉa hè, chị Hoa vừa dỗ con vừa buồn bực: “Cứ có việc ở cơ quan chút xíu, không kịp về trước 16 giờ 30 phút là vướng cảnh kẹt xe ở khu vực này (khu vực cửa ngõ sân bay TSN - PV). Người lớn không sao, chứ trẻ em mà hứng đầy khói của hàng ngàn chiếc xe rất dễ đổ bệnh”.
Tiếp xúc với chúng tôi vào chiều 10-8, nhiều tài xế chở hàng vào cảng Cát Lái (quận 2) chỉ còn biết thở dài vì tình trạng ùn ứ xảy ra ở các cung đường nơi đây. “Đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Vành đai 2 thường xuyên ùn ứ nên thời gian chờ đợi để vào cảng rất lâu, thậm chí kéo dài đến 3 giờ cho vài km” - tài xế Nguyễn Trọng Hùng cho biết.
Đúng như chia sẻ của tài xế Hùng, theo ghi nhận của chúng tôi, vào chiều 10-8, đường Vành đai 2 ken cứng các loại xe từ container đến xe tải. Dòng xe kéo dài đến khu biệt thự Khang Điền 9 (phường Phú Hữu, quận 9) và nhích từng chút một. Nguyên nhân là do đường này chỉ có một làn dành cho ô tô và một làn dành cho xe máy trong khi lượng phương tiện vào cảng rất lớn. Theo đó, trong chiều 10-8, nhiều tài xế đã bất chấp quy định, cho xe chạy qua làn đường dành cho xe máy càng khiến tình trạng ùn ứ thêm nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng người đi xe máy.
Thoát được đường Vành đai 2 thì các tài xế lại phải khốn khổ vượt qua vòng xoay Mỹ Thủy bởi có đến 4 hướng đường đổ về vòng xoay này và ai cũng mong sớm vượt qua nhanh chóng để vào cảng nên giao thông khu vực thường xuyên hỗn loạn.
Loay hoay đến bao giờ?
Tại buổi làm việc với Cảng Hàng không quốc tế TSN và các đơn vị liên quan ngày 8-8, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, cho rằng để kéo giảm ùn tắc giao thông xung quanh sân bay TSN, ngoài việc cần tiếp tục khai thác tốt kết cấu hạ tầng hiện hữu, còn phải kết hợp việc phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông. Trước mắt, ông Cường cho biết Sở GTVT TP đã chỉ đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 phối hợp với UBND quận Tân Bình phân luồng giao thông, tăng cường các biển báo hướng dẫn người dân có thể đi vào các đường nhánh nhằm hạn chế lượng xe tập trung trên đường Trường Sơn. Đồng thời, Sở GTVT TP sẽ đẩy nhanh việc xây dựng, cập nhật tình hình giao thông thực tế tại khu vực này bằng các phần mềm, ứng dụng giao thông thông minh để rà soát, mô phỏng nhằm kịp thời xử lý.
Về giải pháp lâu dài, theo ông Cường, Sở GTVT TP đã có kế hoạch xây cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) và giao lộ Trường Sơn - Hồng Hà (quận Tân Bình) để các phương tiện khi ra vào sân bay TSN không giao cắt nhằm tránh gây ùn ứ. Đồng thời, hiện các đơn vị cũng đang nghiên cứu cải tạo nút giao thông Lăng Cha Cả, trong đó tính toán mở rộng góc giao lộ Trần Quốc Hoàn hướng về đường Cộng Hòa để giải quyết “nút thắt cổ chai” tại đây.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, để giải quyết tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường xung quanh sân bay TSN, cần có khảo sát tổng thể để đưa ra các giải pháp căn cơ. “Việc mở rộng nút giao thông Lăng Cha Cả, đường Trần Quốc Hoàn hay xây dựng thêm 2 cầu vượt sẽ có những chuyển biến đáng kể để giảm kẹt xe ở khu vực này nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ. Để giải quyết triệt để kẹt xe ở khu vực cửa ngõ sân bay TSN, nhất thiết phải thúc bằng được dự án đường trên cao số 1 (xuất phát từ Lăng Cha Cả) cũng như tuyến metro số 5 với giai đoạn 1 từ ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn, chạy qua các tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng… ” - TS Sanh nhấn mạnh.
Để đường vào cảng Cát Lái dần trở nên thông thoáng, ông Bùi Xuân Cường cho hay tới đây, Sở GTVT sẽ tiến hành mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến phà Cát Lái), tăng từ 2 làn thành 3 làn đường cho mỗi chiều lưu thông vào cảng, mở làn đường ra cầu Kỳ Hà 1, đường Đồng Văn Cống, thực hiện nút giao thông Mỹ Thủy.
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đang nghiên cứu phương án nhận hàng trực tiếp ở cảng Cái Mép và Hiệp Phước, tránh để tình trạng cảng Cát Lái vẫn là điểm trung chuyển hàng hóa, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục vào cảng, tránh tình trạng các loại xe dừng trước cổng Cát Lái gây ùn tắc.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT, những giải pháp hạ tầng để “giải cứu” cảng Cát Lái mới chỉ được sở này trình lên UBND TP để xin bố trí nguồn vốn chứ chưa được ghi vốn thực hiện nên vẫn chưa biết khi nào có thể triển khai. “Nếu được bố trí nguồn vốn, các dự án sẽ thực hiện và bài toán kẹt xe phần nào được giải quyết vì các dự án hầu như không phải giải phóng mặt bằng nhiều” - một lãnh đạo Sở GTVT TP HCM nhận định.
Đường Phạm Văn Đồng “đè” sân bay
Theo Cảng Hàng không quốc tế TSN, các sự cố kẹt xe không phải trong giờ cao điểm gần đây ở khu vực cửa ngõ sân bay có một phần lý do là khi mở đường Phạm Văn Đồng, các đơn vị không lường trước được áp lực giao thông sẽ đè nặng lên các tuyến đường ra vào sân bay khi đường Phạm Văn Đồng thông tuyến.
Đơn vị này thống kê có đến 90% lượng xe máy và 70% ô tô lưu thông trên đường Trường Sơn nhưng không vào sân bay mà chủ yếu theo lộ trình từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), qua đường Trường Sơn để đến vòng xoay Lăng Cha Cả và ngược lại.
Bình luận (0)