Hàng chất kín và bày bán tràn lan, lối đi ở chợ Cồn (Đà Nẵng) còn rất hẹp. Ảnh: Hoàng Dũng
Đà Nẵng: Lo 4 chợ lớn nhất
Theo nhận định của Sở Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng, hầu hết các chợ trên địa bàn TP đều không bảo đảm các yêu cầu, quy định về an toàn PCCC. Trong số 85 chợ trên địa bàn TP, có 4 chợ quy mô lớn cần đặc biệt quan tâm là chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ Đầu Mối, do Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng quản lý.
Chợ Cồn, được xây dựng từ năm 1985, nay xuống cấp trầm trọng, hệ thống cống thoát nước, hệ thống chữa cháy, thoát nạn và các phương tiện chữa cháy thiếu đồng bộ. Lối đi trong chợ chật hẹp, nhiều quạt điện, dây điện được các tiểu thương nối lung tung. Chợ có trục đường giao thông nội bộ rộng 6 m, dài hơn 200 m, nối từ cổng vào chợ phía đường Hùng Vương. Con đường này xuyên qua chợ ra cổng phía đường Ông Ích Khiêm là con đường thoát hiểm khi có sự cố, cũng là khoảng cách ngăn cháy giữa các khu vực chợ và là con đường dành cho xe chữa cháy. Nhưng hiện nay con đường này đã trở thành nơi mua bán của hơn 200 hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mua bán áo quần, trái cây, hàng rong.
Ông Lê Ngọc Thạnh, Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng, cho biết để hạn chế nguy cơ cháy, tất cả hệ thống điện trong chợ và hệ thống điện chiếu sáng tại các chợ trên địa bàn TP đều được thiết kế độc lập. Sau khi kết thúc hoạt động trong chợ, bảo vệ tại các chợ sẽ cắt điện hoàn toàn bên trong chợ.
Chợ Đông Ba - Huế: Đề xuất lắp hệ thống báo cháy tự động
Còn tại chợ Đông Ba, TP Huế, cũng tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn bởi hệ thống dây điện quá cũ nát, nhiều tiểu thương còn tự ý đốt nhang, xông trầm ngay trong chợ. Lối đi trong chợ chật hẹp, khu vực cầu thang, nơi thoát hiểm cũng bị nhiều người lấn chiếm làm chỗ bán hàng.
Sau khi xảy ra vụ cháy tại chợ Quảng Ngãi, Ban Quản lý chợ Đông Ba yêu cầu các tiểu thương không được chất hàng hóa quá cao cạnh hệ thống điện, hạn chế thắp nhang, xông trầm. Hiện chợ Đông Ba đã trang bị 250 bình cứu hỏa dạng bột được đặt đều trong 6 khu vực và hệ thống 8 trụ nước nối liên thông với hệ thống cấp nước TP Huế, 28 vòi nước chữa cháy áp tường, 4 bể nước dự phòng đặt ngầm dưới đất, 4 máy bơm chữa cháy trong tình trạng hoạt động tốt. Theo ông Nguyễn Văn Cầm, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Đông Ba: “Chúng tôi sẽ đề xuất UBND TP Huế lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, camera quan sát, bình chữa cháy, khảo sát lại hệ thống điện nhằm phục vụ công tác PCCC tốt hơn trong thời gian tới”.
Chợ Tam Kỳ: Khắc phục lại sợ tốn tiền
Bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng Ban Quản lý chợ Tam Kỳ, Quảng Nam, cho biết chợ được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1993 đã xuống cấp trầm trọng và quá tải. Ban Quản lý đã trang bị cho chợ 16 bình chữa cháy, 8 vòi nước, 1 máy bơm và gần 60 đèn báo cháy, song hầu hết đèn báo cháy của chợ đã hư hỏng. Theo bà Xuân: “Nếu sửa lại toàn bộ đèn báo cháy thì tốn hàng trăm triệu đồng là quá lãng phí, do chợ mới cũng sắp xây nên chúng tôi không bỏ tiền ra sửa chữa hệ thống báo cháy (?). Còn hệ thống điện lòng thòng như mạng nhện là do thiết kế ban đầu nên khó sửa chữa và thay đổi được”.
Bà Xuân cũng nói các tiểu thương buôn bán thường xuyên đốt nhang, giấy vàng mã và chiếm dụng khu vực buôn bán, lấn ra ngoài khu vực đường đi, nếu xảy ra cháy thì lực lượng chức năng rất khó tiếp cận hiện trường.
Chợ Quy Nhơn, chợ Tuy Hòa: Lo bị lấn chiếm
Chợ lớn mới Quy Nhơn được UBND tỉnh Bình Định giao cho Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh làm chủ đầu tư, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ông Lê Văn Trung, giám đốc công ty, cho biết riêng thiết bị PCCC đã được đầu tư hơn 1 tỉ đồng. “Chúng tôi bảo đảm thiết bị đúng tiêu chuẩn PCCC, có đường cứu hỏa trong chợ, lối thoát hiểm. Nhưng lo nhất là tiểu thương lấn chiếm các con đường này để buôn bán”- ông Trung nói.
ĐBSCL: Nhiều chợ lơ là phòng cháy
Tại đồng bằng sông Cửu Long, công tác PCCC tại nhiều chợ còn lỏng lẻo. Ngày 20-10-2011, một vụ cháy thiêu rụi 53 quầy, sạp ở chợ Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Chợ Định An là chợ tự phát lâu năm, các sạp bán hàng được xây cất tạm bợ nên chỉ cần một ngọn lửa nhỏ từ một hàng quán bán hủ tiếu đã lan nhanh sang các sạp khác. Vụ cháy chợ An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cách đây vài năm đã làm tiểu thương trắng tay, có người lâm cảnh nợ nần. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, đến nay, chợ An Nghiệp có 316 hộ vừa là nơi ở và kinh doanh mua bán, các hộ này nằm liền kề nhau nên nếu có đám cháy xảy ra, rất dễ lan sang những hộ khác. Trong khi đó, tại tỉnh An Giang, chợ Châu Đốc và chợ Tịnh Biên, hàng hóa bày bán gần như kín cả các lối ra vào chợ, khi có hỏa hoạn sẽ rất khó cứu chữa hiệu quả.
Thốt Nốt - Ca Linh |
Bình luận (0)