TPHCM: Ngày càng nghiêm ngặt
Các chợ lớn đều hết sức chú trọng phòng chống cháy nổ, song ý thức của tiểu thương tại các chợ chưa đồng đều, có người còn vi phạm
Tại Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông, quận 5- TPHCM, các góc của hành lang cầu thang đều đặt các bình chữa cháy, ở mỗi tầng đều có camera quan sát.
Chợ không khói thuốc
Một chủ sạp bán quần áo Thúy Chương ở tầng 3 chợ An Đông cho biết cứ vài tháng, ban quản lý lại tập huấn cho tiểu thương về cách sử dụng bình CO2 đề phòng khi có hỏa hoạn, quy định ngắt cầu dao điện ở mỗi sạp cũng được thực hiện nghiêm ngặt.
Một trong những quy định của ban quản lý thương xá Đồng Khánh - quận 5 được tiểu thương và người ra vào chợ vải thực hiện khá nghiêm ngặt là cấm hút thuốc. Chị Hạnh, chủ sạp vải C31, cho biết: “Không chỉ người buôn bán tại đây mà khách hàng hút thuốc cũng bị tiểu thương nhắc nhở và… mời ra ngoài”.
Tại chợ Tân Bình - TPHCM, tại mỗi quầy hàng đều có bình chữa cháy hoặc túi khí quả địa cầu nếu xảy ra cháy sẽ tự bung, dập tắt lửa, mỗi góc chợ đều có 10 bình xịt mini đề phòng hỏa hoạn. Bà Thủy Hà (55 tuổi, chủ sạp Hồng Hà) nói: “Tôi bán hàng ở đây đã hơn 20 năm. Điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của các hộ kinh doanh và khách vào mua hàng. Nếu khách nào trên tay cầm điếu thuốc là chúng tôi yêu cầu dập ngay”.
Lối đi chật hẹp, còn đốt nhang, vàng mã
Tuy nhiên, hạn chế tại các chợ trên là lối đi còn chật hẹp. Ở tầng 2 chợ An Đông (kinh doanh quần áo), lối đi giữa hai dãy sạp chỉ vừa đủ 2 người đi qua. Còn tại thương xá Đồng Khánh, không chỉ các cửa hàng ở mặt tiền chất đầy vải mà ở các sạp bên trong thương xá vải cũng chất tràn ra lối đi. Bên trong khu vực kinh doanh vải sợi (do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn quản lý) các sạp nằm san sát nhau, nơi rộng nhất cũng chỉ đủ một người lách qua.
Tại chợ Tân Bình, hàng ngàn gian hàng kinh doanh vải, quần áo, giày dép, nằm san sát nhau. Anh Trần Trọng L., buôn bán tại đây, e ngại: “Mặt tiền chợ là hai bãi giữ xe với hàng ngàn xe máy. Nếu xảy ra cháy nổ thì lối đi nào cho xe chữa cháy, lối đi nào để lính cứu hỏa vào hiện trường đám cháy?”.
Còn tại chợ Bình Tây - TPHCM, dù ban quản lý nghiêm cấm nhưng một số hộ kinh doanh vẫn giấu bàn thờ thần tài vào bên trong và lén thắp nhang vào mỗi buổi sáng.
Báo cháy bằng kẻng Tại thủ đô Hà Nội, một trong những khu chợ có nguy cơ cháy cao là chợ Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Khu chợ này được thành lập từ năm 1987 với mặt hàng chủ yếu là quần áo, vải vóc. Dây điện giăng mắc khắp nơi dọc theo các thanh trưng bày quần áo, vải vóc, len sợi. Các bình cứu hỏa được treo khiêm tốn ở một số góc khá khuất trong bức tường cuối chợ. Ngạc nhiên hơn, thiết bị báo cháy của chợ Ngã Tư Sở là một chiếc kẻng chế từ chiếc vành xe ô tô, đặt ở cuối chợ. Tại chợ Nghĩa Tân, các bình chữa cháy tại chỗ gần như tập trung tại một điểm và phủ đầy bụi. Tại chợ Mai Động, họng nước chữa cháy bị áo mưa, quần áo… che tầm nhìn hoặc bị chất chồng lên. Ở Chợ Hôm, nhìn đâu cũng thấy vải trong khi bình cứu hỏa lại để ở những vị trí bị khuất tầm nhìn. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Phòng Hướng dẫn PCCC, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, một số trung tâm thương mại và chợ lớn xây dựng gần đây đã được đầu tư xây dựng hệ thống PCCC khá hiện đại nên nguy cơ xảy ra cháy chợ không nhiều. Tuy nhiên, đối với các chợ được xây dựng trước năm 2000 thì nguy cơ tiềm ẩn là rất cao. Nguyễn Quyết |
Kỳ tới: Chợ miền Trung: Chưa bảo đảm an toàn
Bình luận (0)