xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cho phép mang thai hộ

THẾ KHA

Nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về việc đổi tên chứng minh nhân dân thành căn cước công dân và cấp mã số công dân vì có thể gây xáo trộn xã hội và gây ra những lãng phí không nhỏ

Ngày 19-6, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Căn cước công dân. Buổi chiều, QH đã chính thức thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, để có thể kết hôn, công dân phải bảo đảm các điều kiện: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự. Nhà nước cũng không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Luật mới được thông qua cũng quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Các đại biểu trao đổi ngoài hành lang Quốc hội   Ảnh: LONG THẮNG
Các đại biểu trao đổi ngoài hành lang Quốc hội Ảnh: LONG THẮNG

Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện: Là người thân thích cùng họ hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng…

Đề xuất giữ nguyên tên gọi CMND

Thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng trong tờ trình và báo cáo đánh giá tác động của dự án luật chưa làm rõ được sự cần thiết phải thay tên gọi, chưa có đánh giá so sánh lợi ích, chi phí của 2 phương án là giữ tên gọi chứng minh nhân dân (CMND) và đổi thành thẻ căn cước công dân.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) không đồng tình với việc thay đổi tên gọi CMND thành căn cước công dân. “QH bấm nút thông qua thì đơn giản nhưng hệ lụy kéo theo rất phức tạp. Ví dụ, tất cả bộ, ban, ngành phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, lý lịch và những giấy tờ chúng ta đã in sẵn để thay từ CMND thành căn cước công dân nên sẽ gây ra rất nhiều tốn kém. Chưa nói đến việc các văn bản, giấy tờ rồi đây trong lưu trữ lẫn lộn, trùng lắp, có hồ sơ thì CMND, có hồ sơ thì căn cước công dân, rất phức tạp cho hồ sơ lý lịch trong quá trình quản lý. Bản chất của căn cước công dân và CMND không có gì thay đổi thì tội gì phải thay đổi tên gọi” - ông Phương nói.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an Hà Nội - cho biết Hà Nội được Bộ Công an, Chính phủ cho phép triển khai cấp toàn bộ CMND theo công nghệ mới bắt đầu ngày 1-4-2014. Qua hơn 2 tháng, đến nay, Hà Nội đã cấp được gần 200.000 người (cả cấp đổi lẫn cấp mới). Ông Chung cho biết qua tiếp xúc cử tri thì người dân thấy giữ lại tên CMND thuận tiện hơn.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) khẳng định sau khi ban hành Luật Căn cước công dân sẽ tác động xáo trộn rất lớn đối với đời sống của hàng chục triệu người dân. “Tác động này là tức thời và lâu dài. Có những câu hỏi mà dự thảo này chưa trả lời được liên quan đến sự cần thiết, khả thi và hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội” - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng hiệu quả chính trị, kinh tế - xã hội của dự án luật đang mờ mịt nhưng trước hết có thể nhìn thấy tác động tiêu cực đối với đời sống nhân dân, đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính an toàn pháp lý. “Phải chăng chúng ta đang phê duyệt cho việc đập bỏ nhà cũ, xây nhà mới mà không biết được thiết kế ra sao, tiền ở đâu, có năng lực thi công không và nhà mới thì có tốt hơn nhà cũ hay không? Do đó, tôi đề nghị QH trước hết giám sát tình hình hiện trạng quản lý dân cư hiện nay từ hộ khẩu, CMND 9 số, CMND 12 số để có cơ sở thực tế đánh giá dự án luật” - ông Nghĩa nói.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hộ tịch chiều cùng ngày, nhiều ĐB cho rằng cơ quan soạn thảo - Bộ Tư pháp - cần có sự trao đổi, thống nhất quan điểm với cơ quan soạn thảo dự án Luật Căn cước công dân để tránh chồng chéo, không thống nhất trong việc quản lý, cấp căn cước, giấy khai sinh và quản lý thông tin dân cư.

Chưa làm rõ được cơ sở khoa học

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng số định danh cá nhân là mệnh đề trung tâm không chỉ của luật này mà cả dự án Luật Hộ tịch. Trong khi QH đang cho ý kiến thì đã có địa phương triển khai cấp mẫu CMND mới 12 số. “Cơ quan soạn thảo cũng dự kiến mã hóa dữ liệu, gán chức năng định danh cho 12 số này với mục tiêu không trùng lắp, không chạm số trong 500 năm, tôi nghĩ cách tiếp cận này có thể chưa ổn” - ông Nhân nói.

ĐB Phạm Trọng Nhân phân tích: Chỉ cần hợp nhất 9 số CMND hiện nay thì đã có gần 1 tỉ đầu số, trong khi đó tờ trình của Chính phủ hiện chỉ mới cấp hơn 68 triệu số. Với tốc độ tăng dân số hiện nay, kho CMND 9 số có thể dùng được hơn 400 năm. Vì vậy, QH cần phải nghe một lời giải trình mang tính khoa học, thuyết phục hơn. Hơn nữa về mặt xã hội, sự thay đổi này sẽ tạo ra sự xáo trộn, lãng phí vô cùng lớn.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo