Theo Bộ Tư pháp, năm 2016, bộ, ngành tư pháp đã thẩm định trên 11.800 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (tăng hơn 24% so với năm 2015); phát hiện 659 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền; giảm mạnh tình trạng nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng. Bộ Tư pháp tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đạt hơn 95% so với yêu cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lần đầu tiên, Chính phủ không còn nợ nghị định, văn bản hướng dẫn những luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Trong kết quả đó có vai trò rất lớn của Bộ Tư pháp.
Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp làm tốt hơn nữa việc lập chương trình xây dựng pháp luật bởi đây là vấn đề có ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ, khắc phục cho được tình trạng xin rút, lùi trình các dự án luật, pháp lệnh đã có trong chương trình.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý ngành tư pháp cần làm tốt khâu thẩm định luật pháp, “chống lợi ích nhóm” trong xây dựng, thiết kế pháp luật. “Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, ngành nào đó. Bộ Tư pháp cần rút kinh nghiệm và làm gương những việc này, không được “cài cắm” vào luật những nội dung không vì lợi ích chung mà để phục vụ lợi ích riêng của đơn vị, ngành mình hoặc một nhóm người nào đó bị chi phối”- Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng cho rằng Bộ Tư pháp cần tham mưu, thẩm định để khi pháp luật trao quyền cho bất cứ ai đều phải có cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực đó, kể cả Thủ tướng. Ngoài ra, ngành tư pháp cần làm tốt hơn nhiệm vụ theo dõi, thi hành pháp luật, tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp để khắc phục tình trạng “nhờn” luật trong chính bộ máy nhà nước và trong toàn xã hội.
Bình luận (0)