* Phóng viên: Thưa ông, với việc dự Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) không quy định Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thuộc Chính phủ đã tránh được cảnh vừa đá bóng vừa thổi còi?
- Ông Đinh Xuân Thảo: Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu sẽ tạo ra tính độc lập trong tổ chức thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Đúng là nếu ban chỉ đạo nằm ở cơ quan hành pháp thì khó có hiệu quả cao nhất vì chẳng ai tự ném đá vào chân mình cả.
* Nhưng tài sản đứng tên vợ con, người thân thì minh bạch là điều rất khó?
- Đây chính là khó khăn thực sự vì không thể bắt vợ con, cha mẹ của cán bộ cũng phải kê khai tài sản. Vì thế, cần tiến tới nghiên cứu kỹ hơn về phương pháp xác định minh bạch tài sản để bảo đảm công bằng, chính xác ở cán bộ, công chức - đối tượng tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.
* E rằng việc kê khai tài sản khó được thực hiện nghiêm túc vì việc chi tiêu theo nền “kinh tế tiền mặt” như ở nước ta hiện nay?
- Chúng ta bắt đầu quy định thanh toán lương qua tài khoản nhưng thực ra với nhiều người, lương chẳng đáng là bao vì họ có những khoản thu nhập khác. Với việc kiểm soát thu nhập như hiện nay, trong bối cảnh cả xã hội xài tiền mặt thì phòng chống tham nhũng mong có hiệu quả cao nhất cũng e là rất khó.
QH sẽ bàn nhiều về vấn đề này để sửa luật cho thực chất, phải làm rõ hơn các quy định từ việc kê khai là tự giác. Điều quan trọng hơn là sau kê khai cần thẩm tra và người có tài sản phải chứng minh.
* Báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ cho rằng việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng là rất khó, ông nghĩ sao?
- Thực tế, nếu quy trách nhiệm hành chính theo luật thì mức độ thế nào đúng là rất khó vì phải căn cứ vào quy chế hoạt động và chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Do vậy, cần luật hóa việc xác định trách nhiệm người đứng đầu để răn đe, phòng ngừa và hạn chế được việc nể nang, dung túng hành vi tham nhũng của cấp dưới.
Tuần này, Quốc hội thảo luận nhiều vấn đề quan trọng Theo Văn phòng QH, sang tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII tiếp tục làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Hôm nay (29-10), QH nghe ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, thành viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trình bày tờ trình về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Luật Hòa giải cơ sở; Luật Phòng chống khủng bố và Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh. Đáng chú ý, trong 1,5 ngày (từ 30 đến 31-10), QH sẽ thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Tiếp đó, QH cũng thảo luận dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; công tác phòng chống tham nhũng năm 2012...
B.Trân |
Bình luận (0)