Phần tranh tụng và khai nhận của các bị cáo tại tòa cho thấy khâu quản lý, kiểm soát tài sản công quá lỏng lẻo. Khó có thể tin là các bị cáo không nhận ra sự lỏng lẻo đó để khắc phục; ngược lại, họ thừa cách lợi dụng kẽ hở để bòn tiền nhà nước. Trong vụ này, của công bị xem như của chùa, mặc sức chi xài. Nhìn rộng ra các vụ án tham nhũng với cùng dạng thức, có thể nói tình trạng “cha chung không ai khóc” phổ biến và bất trị. Trong trường hợp truy cứu được trách nhiệm của một vài cá nhân thì tài sản của nhà nước cũng đã mất hầu hết hoặc tựa bát nước đổ đi, chẳng thể nào hốt lại cho đầy.
Thế nên, cuộc chiến chống tham nhũng luôn cam go và chưa biết đến bao giờ bên chính mới trấn áp được bên tà.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2015 tổ chức ngày 29-10 ở Hà Nội, ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ - thừa nhận chúng ta mới chỉ bước đầu ngăn chặn được tham nhũng, chưa có nhận định nào nói chúng ta đã đẩy lùi được tham nhũng; “mục tiêu đề ra là đến năm 2020 mới bắt đầu đẩy lùi tham nhũng, khi nào đẩy lùi tham nhũng được thì mới phản công được”.
Thông tin của ông Hùng rất hình tượng và ít ra cũng lượng hóa được một thời điểm cụ thể là năm 2020. Nhưng nếu như vậy thì có nghĩa là trong 5 năm tới, tham nhũng tiếp tục tồn tại, hoành hành? Và đẩy lùi được rồi thì mới phản công; khi phản công, chưa biết ai thắng, ai thua…
Câu trả lời còn phải chờ song chắc chắn rằng công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ không dễ thắng lợi nếu cứ hô hào suông. Nói như vậy là bởi ai cũng rõ tham nhũng nảy nòi từ môi trường quyền lực, đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ nhà nước nhưng tuyến phòng thủ đầu tiên ngăn chặn sự nhúng chàm của quan chức - đó là kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập - thì được dựng lên sơ sài, không đủ sức đánh chặn.
Bằng chứng là cách đây 5 tháng, báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2015 của Thanh tra Chính phủ cho biết tính đến ngày 31-5, có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập và các cơ quan chức năng chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực (?). Ai mà tin kết quả này. Kê khai, kiểm soát hình thức như thế, làm sao trị tham nhũng cho được!
Chưa hết, đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trước đây giao cho Bộ Nội vụ triển khai thực hiện; sau 4 năm nghiên cứu, bộ này lại chuyển cho Thanh tra Chính phủ tiếp tục... nghiên cứu xây dựng. Trong 4 năm “ngâm cứu” ấy, tài sản nhà nước mất mát biết bao nhiêu.
Vì thế, để trị được tham nhũng, trước hết bên chống phải thực tâm và quyết liệt, nói phải đi đôi với làm, song rất tiếc thực tế chưa cho thấy điều đó...
Bình luận (0)