Sau một mùa khô nữa phải chống thiếu điện, Bộ Công Thương vừa đề xuất Chính phủ các biện pháp khắc phục để tránh tái diễn tình trạng này trong thời gian tới.
Công nhân điện lực sửa chữa đường dây trên đường Thoại Ngọc Hầu, quận 11 - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Thừa nhận yếu kém
Theo Bộ Công Thương, sản lượng điện thiếu hụt phải tiết giảm từ tháng 4 đến tháng 6-2010 lên tới 1,3 tỉ KWh, tương đương 5,3% nhu cầu của hệ thống. Mức tiết giảm phụ tải của toàn hệ thống trong tháng 4 khoảng 6% tổng nhu cầu, tháng 5 giảm xuống còn 5% nhưng tháng 6 lại tăng lên khoảng 8%.
Trong 10 ngày đầu tháng 7, EVN cam kết không tiết giảm toàn hệ thống nhưng thực tế, mức tiết giảm lại lên đến 13% - 15% nhu cầu.
Do phải ưu tiên cho Hà Nội và TPHCM, các địa phương khác có nơi bị cắt điện đến 15%-26% nhu cầu, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.
Bộ Công Thương thừa nhận công tác quản lý đã bộc lộ một số vấn đề cần xem xét rút kinh nghiệm. Việc dự báo nhu cầu điện, đánh giá ảnh hưởng của thời tiết đến khả năng cung cấp và nhu cầu tiêu thụ điện chưa sát thực tế, dẫn đến bị động trong xây dựng, điều chỉnh kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện.
Hầu hết các nhà máy điện mới được đưa vào vận hành đều chậm hơn tiến độ ít nhất một năm, dẫn đến thiếu hụt sản lượng, phải thực hiện cắt điện.
Cơ chế điều hành xây dựng dự án điện kém hiệu quả, chưa có một cơ quan chịu trách nhiệm chuyên trách giám sát và điều hành thực hiện các dự án nguồn điện; chưa có cơ chế cho phép điều chỉnh giá điện một cách linh hoạt theo biến động của thị trường.
Bộ Công Thương khẳng định tình trạng thiếu nguồn điện cơ bản còn xuất phát từ những hạn chế của cơ cấu tổ chức ngành điện theo mô hình tích hợp dọc (phát, truyền tải, phân phối, mua bán, điều hành hệ thống điện).
Mô hình này không tạo ra môi trường minh bạch cho việc thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài. Do đó, biện pháp căn cơ được bộ đề xuất để chống thiếu điện là Chính phủ sớm xem xét thông qua kế hoạch tái cơ cấu ngành điện, tách phát điện ra khỏi khâu truyền tải, mua bán và điều độ hệ thống điện để hình thành cạnh tranh trong khâu phát điện, để giá phát điện thực sự do thị trường xác lập.
Không có vốn đầu tư
Trong cuộc họp báo ngày 19-7 tại Hà Nội, Chủ tịch HĐQT EVN Đào Văn Hưng cũng thừa nhận công tác điều hành sản xuất kinh doanh của EVN còn có yếu kém vì cùng lúc làm quá nhiều dự án. Tuy nhiên, về phương án tái cơ cấu, người đứng đầu EVN tỏ ra chưa đồng tình.
Ông Hưng khẳng định EVN không phản đối việc tái cơ cấu tập đoàn nhưng lại viện dẫn các lý lẽ để cảnh báo đây là việc làm tác động rất lớn đến an ninh năng lượng, cần có những bước đi thận trọng.
Theo ông Hưng, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thiếu điện là không có vốn đầu tư nên tách khâu phát điện khỏi EVN là không thích hợp. EVN, một tập đoàn Nhà nước lớn, còn khó xoay được vốn thì công ty phát điện mới thành lập càng khó có khả năng vay vốn nếu tách ra đứng độc lập. Hơn nữa, nếu “xé” EVN ra thì lấy đâu vốn đầu tư?
“EVN muốn giữ công ty phát điện không phải để cho mình mạnh lên mà để có đủ điện. Từ năm 2012, nguy cơ thiếu điện sẽ quay lại” - ông Hưng giãi bày.
EVN đề xuất hình thành công ty phát điện thí điểm tách khỏi EVN, giao làm vài nhà máy điện, sau đó tổng kết đánh giá, nếu thành công mới tách hết các công ty phát điện còn lại.
Ông Hưng cho biết ông hoàn toàn đồng tình nếu tách công ty mua bán điện khỏi EVN mà có hiệu quả hơn. Hiện nay, thời gian đàm phán giá điện với nhà đầu tư kéo dài vài năm không phải vì công ty này thuộc EVN mà vì xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư với... người tiêu dùng.
Nếu ký giá mua có lợi cho nhà đầu tư 5 cent/KWh, EVN phải trả thêm 4.500 tỉ đồng/năm và người tiêu dùng phải trả thêm 115.000 tỉ đồng cho thời hạn một hợp đồng mua bán điện (thường kéo dài 25-30 năm).
Điều chỉnh giá điện theo thị trường
Bộ Công Thương cho biết đang khẩn trương xây dựng cơ chế cho phép điều chỉnh giá điện theo biến động của thị trường, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và thực hiện trong quý III và IV/2010. Giá điện hiện chỉ được xem xét điều chỉnh một lần/năm với mức tăng rất hạn chế, chưa cho phép kịp thời điều chỉnh giá bán lẻ khi các yếu tố hình thành giá điện đầu vào tăng cao.
Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu cho phép chuyển các chi phí đầu vào của giá điện vào giá bán lẻ trong khi chưa có thị trường điện để giá phát điện được xác lập thực sự cạnh tranh. Khi đó, giá bán lẻ điện sẽ liên tục chịu áp lực tăng, có thể lên tới 10% - 20%/năm. |
Bình luận (0)