Ngày 9-8, UBND thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết sẽ tiếp tục làm văn bản mời Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang đến làm việc nhằm yêu cầu công ty này sửa chữa trả lại nguyên trạng 4 con đường mà công ty đã mượn để thi công đường tránh Cai Lậy.
Hứa cho có
Theo UBND thị xã Cai Lậy, năm 2014, khi Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang được cấp giấy chứng nhận đầu tư đường tránh Cai Lậy thì công ty này xin UBND tỉnh Tiền Giang và Sở Giao thông Vận tải cho mượn 4 con đường, gồm: Hà Trung Hiến, Thái Thị Kim Hồng, Đông (kinh Ba Muồn) và Huyện 54, để chở vật tư phục vụ thi công công trình.
Đường Hà Trung Hiến giờ chẳng khác nào đường làng với đầy “ổ gà”, “ổ voi”
Sau đó, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND thị xã Cai Lậy cho mượn. Khi bàn giao bằng biên bản, cả hai bên thống nhất chụp ảnh, quay phim hiện trạng các đường… Tại biên bản, Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cam kết sẽ duy tu sửa chữa đường nếu hư hỏng. Khi xây dựng xong tuyến tránh thì trả lại hiện trạng như ban đầu. Tuy nhiên, 2 năm qua, khi tuyến đường tránh vừa thi công xong cũng là lúc 4 con đường này biến dạng. Hai năm đường biến dạng cũng là 2 năm UBND thị xã Cai Lậy cùng Sở GTVT có nhiều văn bản đề nghị chủ đầu tư sửa chữa trả lại hiện trạng ban đầu và bàn giao bằng biên bản nhưng công ty trên… không trả lời.
Tại cuộc họp thông báo thu phí trạm Cai Lậy ngày 31-7 vừa qua, trước những câu hỏi của UBND thị xã Cai Lậy thì Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang khẳng định sẽ sửa ngay (!). "Tại buổi họp báo có nhiều phóng viên cũng chất vấn vấn đề này nên chủ đầu tư hứa làm ngay nhưng đến nay 10 ngày rồi mà có làm gì đâu" - một lãnh đạo UBND thị xã Cai Lậy nói.
Bức xúc của lãnh đạo thị xã Cai Lậy hoàn toàn có lý bởi theo ghi nhận vào sáng 9-8 thì 4 con đường nêu trên đầy "ổ gà", "ổ voi", có nơi chẳng khác nào ao tù. Ở 4 con đường này, nhiều đoạn xe máy không thể chạy được mà phải dẫn. "Người lớn thì tránh được, còn học sinh ở đây bị té suốt. Nhiều em phải nghỉ học vì rớt "ổ gà", quần áo đầy bùn đất nhìn thấy tội" - ông Tài, một hộ dân có nhà trên con đường "đau khổ" Hà Trung Hiến, chia sẻ.
Lùa xe vào trạm thu phí?
UBND thị xã Cai Lậy cùng người dân bức xúc là vậy nhưng trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 9-8, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, lại nói rằng nhà thầu xây dựng phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, khi phóng đặt câu hỏi: Chính chủ đầu tư là người ký văn bản mượn 4 con đường và là người ký biên bản bàn giao? Ông Hiệp thừa nhận là Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang là đơn vị mượn nhưng do các doanh nghiệp đặt trên những cung đường làm hư hỏng (!?).
Ở một diễn biến khác, nhiều ngày qua, tài xế qua trạm thu phí Cai Lậy tiếp tục bày tỏ bức xúc vì đại diện Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang phát biểu trên một số báo rằng "Mỗi ngày có 4.000 đến 5.000 xe đi đường vòng qua Huyện lộ 63 và Huyện lộ 67 nhằm "né" trạm thu phí Cai Lậy" là sai sự thật. Trả lời phóng viên về việc này, ông Hiệp nói không rõ con số 4.000 đến 5.000 xe "né" trạm mà báo chí đăng là ở đâu ra (!).
Theo ghi nhận của phóng viên bằng camera từ 7 giờ đến hơn 10 giờ ngày 9-8, chỉ có hơn 50 lượt xe đi trên Huyện lộ 63 và 67 từ hướng Mỹ Thuận về Trung Lương và khoảng 67 lượt xe đi hướng ngược lại. Các xe đi đường vòng này chủ yếu là xe con và xe khách 16 chỗ ngồi cùng với xe tải dưới 10 tấn. "Họ nói vậy là nhằm mục đích gây áp lực cho cơ quan chức năng hạ tải hoặc cấm ô tô ở 2 tuyến huyện lộ trên để "lùa" xe vào trạm thu phí" - tài xế Nguyễn Minh Trí, ngụ huyện Cai Lậy, nhận định.
Kẹt xe nhưng không xả trạm như tỉnh chỉ đạo
Theo ghi nhận, chiều tối 9-8, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng đã xảy ra ở 2 hướng của trạm thu phí Cai Lậy. Nguyên nhân vẫn là do giới tài xế dùng tiền lẻ để trả khi qua trạm.
Vụ kẹt bắt đầu từ 17 giờ cho đến 19 giờ nhưng vẫn không có dấu hiệu giảm. Kẹt xe kéo dài hơn 5 km ở mỗi hướng dù CSGT đã điều hơn 20 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Đáng nói, dù kẹt xe kéo dài như vậy nhưng chủ đầu tư vẫn không xả trạm. Trong khi đó, ngày 8-8, một lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cho biết nếu trạm thu phí Cai Lậy kẹt khoảng 1 km thì buộc chủ đầu tư phải xả trạm, không thực hiện sẽ bị xử phạt.
Bình luận (0)