Kiểm lâm An Giang kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng
Chủ động hơn, song vẫn lo
Vùng Bảy Núi thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn hiện có trên 12.000 ha rừng, gồm rừng đồi núi và rừng tràm ở đồng bằng, trong đó có hơn 6.700 ha nằm trong vùng trọng điểm cháy. Các khu vực dễ xảy ra cháy gồm rừng tràm Trà Sư, Nhơn Hưng, núi Phú Cường, cụm núi Đất, núi Nhọn, khu vực Latina, Tà Lọt (huyện Tịnh Biên), núi Dài, núi Cô Tô, rừng tràm ở các xã Tân Tuyến, Tà Đảnh, Vĩnh Gia, Lương An Trà (huyện Tri Tôn) và 100 ha ngoài vùng thuộc khu vực núi Sam (thị xã Châu Đốc). Tất cả các vùng này đều đang ở mức báo động cháy rừng cấp 4, có nơi xấp xỉ cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Tuy nhiên, điều khiến ngành chức năng tỉnh này lo lắng là tình trạng người dân vào rừng lấy củi, đốt lửa lấy mật ong khiến rất dễ xảy ra cháy.
Tại Đồng Tháp, để bảo vệ hơn 7.500 ha rừng thuộc các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và TP Cao Lãnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng lập phương án túc trực 24/24 giờ. Trong đó, các khu vực trọng điểm cần bảo vệ nghiêm ngặt gồm Vườn Quốc gia Tràm Chim, khu di tích Xẻo Quýt, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, khu di tích Gò Tháp, rừng tràm môi sinh Bắc Tháp Mười và rừng bạch đàn thuộc khu vực biên giới Dinh Bà.
Hiện các chủ rừng đã tập hợp lực lượng phòng chống cháy rừng (PCCR) với hơn 1.400 người được huấn luyện kỹ năng chữa cháy thành thạo và đã thành lập 61 trạm, chốt bảo vệ và 30 đài quan sát, chòi canh có chiều cao quan sát từ 15-18 m. Phương tiện chữa cháy đã chuẩn bị sẵn sàng với 47 máy bơm chuyên dùng và cải tiến, hơn 12.000 m dây chữa cháy, trên 400 dụng cụ chữa cháy thủ công. Các rừng tràm đều có hệ thống kênh, đê bao PCCR. Để ứng phó với sự khắc nghiệt của mùa khô năm nay, các chủ rừng đã tạo đường băng cản lửa, đường băng xanh, đường băng trắng với chiều dài hàng trăm km, xây dựng hệ thống biển báo, panô tuyên truyền PCCR... Đặc biệt, năm nay, Đồng Tháp thực hiện tốt công tác PCCR bằng giải pháp lâm sinh như vận động các chủ rừng vệ sinh các bờ bao, bờ kênh, tỉa thưa, vệ sinh rừng, đắp đập điều tiết nước hợp lý để giữ độ ẩm, nạo vét thông thoáng các kênh mương bảo đảm đi lại dễ dàng, tổ chức đốt chủ động trong và ven rừng ở những nơi có nguy cơ cháy cao; chủ động đưa nước vào rừng để tăng độ ẩm và có nước dự trữ, phục vụ PCCR.
Phải giúp dân đủ sức bám rừng
Đại diện ngành kiểm lâm các tỉnh ở ĐBSCL đều thừa nhận rằng không có lực lượng nào bảo vệ rừng hiệu quả hơn chính là chủ rừng và người dân sống quanh rừng. Vì thế, nếu không được người dân đồng tình tham gia bảo vệ thì việc giữ rừng sẽ khó khăn gấp bội. Trong khi đó, đời sống của hàng ngàn người sống dưới tán rừng còn khó khăn. Rừng thật sự chưa nuôi sống hoặc thu nhập chưa cao đang là một thách thức trong việc giữ rừng. Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết người dân sống quanh rừng còn nghèo khó thì họ phải vào rừng chặt củi, lấy mật ong để kiếm sống là chuyện đương nhiên. Năm 2010, An Giang cũng từng xảy ra nhiều vụ cháy tuy thiệt hại không lớn nhưng đều bắt nguồn từ nguyên nhân này. Do đó, ngành kiểm lâm tỉnh thường xuyên phối kết hợp với chính quyền địa phương kiên trì trong công tác tuyên truyền vận động để hạn chế mức nào hay mức đó. Ông Lương Văn Liếng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang, thừa nhận: “Điều lo ngại hiện nay là không ít hộ chưa mặn mà với việc bám rừng bởi thu nhập từ rừng thấp không đủ sống nên người dân trồng rừng chưa thật sự tâm huyết để bám trụ dưới tán rừng”.
Đào giếng trữ nước, làm đường băng cản lửa Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm: “Đặc thù của huyện đảo Phú Quốc là thiếu nước rất nhanh, nhất là vào cao điểm nắng gắt. Các con suối và giếng nước tự nhiên cạn kiệt. Trong khi đó, các khu rừng nơi đây đều đang ở mức báo động cháy cấp 4. Chính vì vậy, ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương nỗ lực đào 67 giếng trữ nước, phát dọn nhiều đồng cỏ, san ủi đường băng cản lửa tạo khoảng cách giữa đồng cỏ với rừng nhằm giảm nguy cơ cháy lan”. Ông Bình cho rằng đây là biện pháp tốt nhất để khắc phục tình trạng rừng bị cháy nhưng không đủ nước ứng cứu kịp thời như trong những năm vừa qua. Còn ở khu vực rừng quốc gia U Minh Thượng với diện tích 8.000 ha rừng đã hoàn thành việc làm đường băng cản lửa cũng như cách đắp đập để bơm nước vào tích trữ. Cũng theo ông Bình, 2 vườn quốc gia Phú Quốc và U Minh Thượng đến nay đã tạm thời yên tâm về PCCR. Đáng ngại nhất vẫn là diện tích rừng tràm đã giao khoán cho các hộ dân và một số tổ chức ở vùng tứ giác Long Xuyên thuộc các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành… “Mấy năm nay cây tràm mất giá nên đa số hộ dân cũng không mặn mà lắm trong việc đầu tư bảo vệ rừng” - ông Bình nói. |
Bình luận (0)