Lo từ ý thức người dân
Người trồng mía đốt rẫy sau khi thu hoạch dễ làm cháy lan sang các cánh rừng trồng và nhiều người sau khi đốt ong lấy mật đã ném lửa lại rừng
Trong 654.000 ha rừng ở Kon Tum có hơn 136.000 ha rừng dễ cháy, tập trung chủ yếu ở các khu vực rừng trồng, tre nứa, rừng khộp. Tại Đắk Lắk có 567.000 ha rừng tự nhiên và 72.000 ha rừng trồng, trong đó có 300.000 ha rừng dễ cháy. Trong năm 2011, hơn 220 ha rừng trồng lâu năm của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy (Kon Tum) bị thiêu sạch. Cuối tháng 2-2011, một vụ cháy hơn 360 ha rừng trồng, thiệt hại trên 15 tỉ đồng cũng xảy ra tại Công ty TNHH TM-SX Lộc Phát (Đắk Lắk).
Chạy bộ về báo tin
Chiều 15-2, phóng viên Báo Người Lao Động đã chứng kiến nhiều đám cháy lớn xảy ra tại lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Cư M’lanh (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) nhưng không hề thấy bóng dáng của chủ rừng và cơ quan chức năng. Theo đơn vị chủ quản, diện tích rừng bị cháy là rừng khộp, khi cháy không gây thiệt hại nhiều nên chủ rừng không quan tâm (!?).
Đồng Xuân là huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, chiếm hơn 1/5 tổng diện tích rừng của tỉnh này với trên 30.000 ha, tập trung chủ yếu ở các khu vực giáp ranh 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định. Theo ông Võ Cao Phi, Chủ tịch UBND huyện, mới đầu tháng 3 nhưng nhiều khu rừng đã khô khốc, nếu xảy ra cháy sẽ lây lan rất nhanh. Hơn nữa, hầu hết những khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn của huyện không có sóng điện thoại nên khi lực lượng canh giữ rừng phát hiện, phải chạy bộ về thông tin.
Người dân cùng lực lượng chức năng tham gia chữa cháy trong một vụ cháy rừng ở tỉnh Phú Yên. Ảnh: Hồng Ánh
Nhiều vụ cháy rừng trước đây, khi lực lượng chữa cháy đến nơi thì đám cháy đã lan rộng, việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Ở huyện Phú Hòa, từ giữa năm 2011 đến nay, đã xảy ra 5 vụ cháy rừng với trên 130 ha bị thiêu rụi. Nguyên nhân được lực lượng chức năng xác định là do người dân đốt rẫy. “Bà con trồng mía thường có thói quen sau khi thu hoạch sẽ đốt rẫy để chuẩn bị cho vụ sau.
Đám cháy từ những rẫy mía này lan sang các cánh rừng trồng” - ông Lê Ngọc Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết. Cũng theo ông Tính, nhiều người sau khi đốt ong lấy mật đã ném lửa lại rừng. Đây là một trong những nguy cơ cháy rừng thường trực đối với nhiều địa phương.
Nhiều địa phương còn hời hợt
Đắk Lắk có 15 công ty lâm nghiệp, 6 ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, 20 doanh nghiệp tư nhân quản lý và bảo vệ rừng, tuy nhiên tổng kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) chỉ hơn 10 tỉ đồng/năm. Phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng thiếu nghiêm trọng. Lực lượng kiểm lâm là cơ quan chuyên trách về PCCR nhưng cũng chỉ có 4 máy nổ chuyên dụng, 20 máy cơ giới (máy cắt thực bì, cưa xăng, máy thổi gió). Đối với cấp huyện, xã thì đa phần dùng dụng cụ thủ công chữa cháy.
Tại Bình Thuận, hiện nay, dự báo cháy rừng tại huyện Bắc Bình ở cấp nguy hiểm, trong khi tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch 3 loại rừng của huyện đang quản lý rất lớn: trên 90.200 ha. Toàn huyện có 5 đơn vị chủ rừng và Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận quản lý toàn bộ diện tích rừng nói trên.
Ông Võ Thái Hòa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình, cho biết: Nhằm chủ động phòng ngừa, từ tháng 12-2011, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chủ rừng làm đốt chần, làm đường băng phòng chống cháy và thu gom vật liệu dễ cháy trên lâm phần mình quản lý; các trạm bảo vệ rừng trực 24/24 giờ.
Còn tại huyện Tuy Phong, được ví như “tiểu vùng sa mạc” của cả nước nên nguy cơ cháy rừng hiện nay được dự báo ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Rút kinh nghiệm từ mùa khô năm 2011 (với 3 vụ cháy, thiệt hại hàng chục hecta rừng trồng), UBND huyện đã chỉ đạo các Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tuy Phong, Đá Bạc khẩn cấp hoàn thành các công trình PCCR; đồng thời bố trí lực lượng cắm chốt tại chỗ và thường xuyên tuần tra các vùng rừng trọng điểm để ứng phó kịp thời với các tình huống xấu.
Ông Trần Đình Cẩn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Phong, cho biết: Ngay đầu mùa khô, 7 xã có rừng đã ký cam kết thực hiện quy ước bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư. Hạt Kiểm lâm Tuy Phong và Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) cũng ký kế hoạch phối hợp PCCR vùng giáp ranh 2 tỉnh. “Tất cả các giải pháp trên sẽ hạn chế tối đa các vụ cháy rừng trong mùa khô năm nay” - ông Cẩn nói.
Chỉ phòng mà khó chống
Ở Phú Yên, theo ông Lê Ngọc Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, mặc dù huyện đã chỉ đạo các xã có rừng phải có kế hoạch phòng chống cháy ngay từ đầu năm 2012, tuy nhiên đa phần chỉ xây dựng phương án chung chung.
Ông Lê Ngọc Thự, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI, cho biết đơn vị đã tăng cường nhân lực làm công tác bảo vệ rừng nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu khi xảy ra cháy, đồng thời triển khai việc phát dọn thực bì sớm để phòng cháy từ xa.
Công ty này chấp nhận thiệt hại, đốn hạ những cây keo lá tràm 3 năm tuổi để làm đường băng cản lửa hoặc chia nhỏ các lô rừng từ 20 ha xuống còn dưới 10 ha để dễ chữa cháy.
Tuy nhiên, theo ông Thự, do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, việc chữa cháy chủ yếu bằng sức người nên nếu đám cháy gặp gió bùng phát thì cũng đành… chịu. |
Kỳ tới: Chủ động ứng phó
Bình luận (0)