Đúng 18 giờ 55 phút ngày 20-4, tại trụ sở Huyện ủy Mỹ Đức, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đại diện Cục Điều tra hình sự - Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Ban Dân nguyện của Quốc hội đã gặp gỡ 3 đại diện chính quyền xã Đồng Tâm.
Cần có câu trả lời rõ ràng về nguồn gốc đất
Trước đó, từ đầu giờ chiều 20-4, ông Nguyễn Đức Chung đã có mặt tại Huyện ủy Mỹ Đức làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương và đợi bà con xã Đồng Tâm lên đối thoại. Tuy nhiên, cho đến tối cùng ngày đã không có người dân nào đại diện cho những người đang tạm giữ 20 cán bộ, chiến sĩ tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm và nhân dân xã Đồng Tâm có mặt.
Tại buổi gặp gỡ trên, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị lãnh đạo chủ chốt xã Đồng Tâm phát biểu về những tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân trong xã. Đại diện cho chính quyền xã Đồng Tâm, ông Phạm Hồng Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết sự việc xảy ra ở địa phương trong thời gian qua là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, sinh hoạt tại địa phương. Các khu vực cổng làng, trục chính đã bị người dân dùng vật dụng cản trở gây khó khăn cho việc đi lại. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan trung ương và TP có biện pháp để thuyết phục được người dân thả toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đang bị giữ trái pháp luật. Đây là mong muốn lớn nhất của cán bộ xã chúng tôi hiện nay”- ông Sỹ bày tỏ.
Ông Sỹ cũng thẳng thắn nhìn nhận hoạt động của chính quyền địa phương đang gặp nhiều khó khăn vì dân không nghe, không tin. “Chúng tôi mong muốn trung ương và TP về để chỉ đạo giải quyết tình hình” - ông Sỹ nói.
Dẫn đến tình trạng vừa rồi, theo ông Sỹ là do người dân có đơn đề nghị về khu vực đất sân bay Miếu Môn mà Bộ Quốc phòng giao cho Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel). Người dân cho rằng đó là đất nông nghiệp thuộc xã Đồng Tâm. Chính quyền xã đã căn cứ vào các văn bản của nhà nước và TP để tuyên truyền giải thích nhưng người dân vẫn không tin đó là đất quốc phòng. “Vì thế, chúng tôi đề nghị các cấp làm rõ và công khai đó là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp. Có như thế thì người dân mới nhận thức ra được những hành động vừa rồi là sai” - ông Sỹ nói.
Một đại diện khác của xã Đồng Tâm cũng cho rằng diễn biến tình hình là phức tạp. Nhân dân và các cơ quan, đơn vị trong xã đều chỉ mong muốn trung ương, TP trực tiếp về địa phương để đối thoại, làm rõ nguồn gốc đất tại khu vực trên.
Không để ai gây nguy hiểm cho dân
Lắng nghe ý kiến phát biểu của đại diện xã, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ tiếp tục đợi đến lúc được đối thoại với bà con. Ông Chung nhắc lại từ trưa 15-4, một số bà con xã Đồng Tâm bắt giữ một số cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động Công an TP, Công an Huyện Mỹ Đức, Ban Dân vận huyện… Sau đó, đại diện TP, huyện đã tuyên truyền, vận động nên đến tối 17-4, người dân đã thả 18 cán bộ, chiến sĩ và hiện còn giữ 20 cán bộ, chiến sĩ.
Qua đại diện của xã, ông Chung mong bà con xã Đồng Tâm trực tiếp đối thoại trong thời gian sớm nhất, có thể ngay trong ngày 21 hoặc 22-4. Ông Chung đề nghị đại diện xã về nói với người dân chuẩn bị thành phần tham dự buổi đối thoại gồm đại diện Đảng ủy, UBND, MTTQ… và người dân trong xã.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nêu việc bà con lập hàng rào, dựng vật cản trên đường vào làng sẽ gây nguy hiểm cho chính bà con, nhất là các cháu nhỏ. “Tôi nắm được là chính bà con ở Đồng Tâm cũng rất lo lắng về việc dựng rào, vật cản. Bà con nên tin chúng tôi vì từ ngày 15 đến 17-4, bà con đã nhận thức ra việc làm của mình mà cụ thể đã thả 18 cán bộ, chiến sĩ. Vì thế, bà con cần sớm dẹp bỏ toàn bộ vật cản trên đường vào làng và thả nốt cán bộ, chiến sĩ. Chiến sĩ đi làm chỉ có bảo vệ dân, chẳng ai đi đàn áp dân. Thực tế, số cán bộ này cũng là nhân dân mà ra, thậm chí có họ hàng với người dân Đồng Tâm” - ông Chung kêu gọi.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội ghi nhận từ ngày 15-4 đến nay, bà con trong xã đã nấu cơm, cho chiến sĩ tắm giặt và còn mua quần áo cho anh em. “Ngay trên đất Đồng Sênh, bà con cũng sống và làm việc theo pháp luật. Vì vậy, đề nghị đại diện chính quyền xã có mặt ở đây về tuyên truyền bà con thực hiện đúng” - ông Chung nhắn nhủ.
Một vấn đề nữa mà người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội gửi đến bà con Đồng Tâm là trong xã cũng có 143 người từng có tiền án, tiền sự, nghiện hút ma túy hay mắc phải HIV. Vì vậy, đề nghị đại diện xã về tuyên truyền bà con giải thích và giám sát số con em mình không có những việc làm gây ảnh hưởng chung. Còn về các thành phần nơi khác đến có thể gây lo lắng cho bà con Đồng Tâm, ông Chung khẳng định đã mời Đại tá Nguyễn Hữu Sự, Cục phó Cục Điều tra hình sự - Bộ Công an, cùng lãnh đạo Công an TP Hà Nội vào cuộc. “Chúng tôi cam kết không có hành động nào gây ảnh hưởng đến bà con và bà con hãy tin chúng tôi!” - ông Chung hứa.
Thanh tra trong vòng 45 ngày
Tất cả các kiến nghị, đề nghị, mong muốn của người dân xã Đồng Tâm là làm rõ đất Đồng Sênh nằm trong khu vực sân bay Miếu Môn (huyện Mỹ Đức). Ngay trong ngày 20-4, Thanh tra TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1121 thanh tra toàn diện quá trình quản lý, sử dụng và xử lý khiếu kiện liên quan đến đất đai tại khu vực này. Kết quả thanh tra sẽ có sau 45 ngày kể từ ngày quyết định ban hành. “Đoàn thanh tra sẽ lắng nghe, tiếp thu, tiếp nhận những kiến nghị của bà con xã Đồng Tâm, mời bà con cùng đồng hành thanh tra, trên cơ sở tài liệu đã có và bà con cung cấp để có kết luận đúng đắn nhất, giải quyết thỏa đáng nhất tâm tư, nguyện vọng của bà con” - ông Chung nhấn mạnh.
Để thực thi quyết định thanh tra, người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cho biết đã yêu cầu Tập đoàn Viettel tạm dừng việc thi công. “Tôi cũng đã nói chuyện với một số cán bộ lão thành và các cụ cao niên trong xã Đồng Tâm là TP sẽ giữ nguyên hiện trạng đất đai để phục vụ đoàn thanh tra” - ông Chung cho biết.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong 4 năm qua, những kiến nghị của người dân cũng đã được giải quyết. Tuy nhiên, cấp cơ sở có những việc kiểm tra, xử lý chưa được kịp thời và kết luận kiểm tra, xử lý chưa được khách quan. Lần này, TP sẽ thanh tra toàn diện và xử lý toàn bộ kiến nghị của người dân.
Không có chuyện công an tấn công vào thôn
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết trong thời gian qua, ông đã đối thoại với một nhóm người dân xã Đồng Tâm và sẽ tiếp tục việc đối thoại để bà con sớm trả cán bộ, chiến sĩ về nhà. “Bà con những ngày qua cũng băn khoăn ban đêm sẽ có lực lượng công an tấn công vào thôn Hoành. Chúng ta đang sống trong một đất nước có chế độ tôn trọng người dân và cá nhân tôi cũng như chính quyền TP Hà Nội cam kết với bà con là sẽ không có chuyện này xảy ra. Tuy nhiên, việc gì cũng có giới hạn. Đề nghị đại diện chính quyền xã về tuyên truyền để bà con hiểu và cố gắng trong 1-2 ngày tới thả hết người”- ông Chung cương quyết.
Tha thiết được đối thoại với lãnh đạo TP Hà Nội
Tối cùng ngày, sau khi cuộc làm việc giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện lãnh đạo xã Đồng Tâm tại hội trường UBND huyện Mỹ Đức kết thúc, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Viết Hiểu (ngụ thôn Hoành, 75 tuổi) cho biết người dân nơi đây chưa nắm được thông tin về cuộc họp vì mạng internet ở trong thôn gần như không truy cập được. “Cuộc đối thoại diễn ra ở xã Đồng Tâm thì chúng tôi mới tham dự. Người dân thiết tha mong ông Nguyễn Đức Chung về xã để trao đổi trực tiếp, lắng nghe nguyện vọng người dân” - ông Hiểu nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, sau nhiều ngày căng thẳng, đến ngày 20-4, sinh hoạt của người dân xã Đồng Tâm đã dần trở lại nhịp sống thường nhật. Chợ trong làng đã tấp nập người mua bán, các cháu nhỏ được cha mẹ đưa đi học hoặc tự đạp xe đến trường.
V.Duẩn - Ng.Hưởng
Bình luận (0)