Sáng ngày 17-11, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XV, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khi trả lời ý kiến về khắc phục ô nhiễm các hồ đã cho biết khu vực nội đô và các huyện hiện có khoảng 1.300 hồ, trong đó 117 hồ ô nhiễm rất nặng (gồm cả hồ Tây và Hoàn Kiếm).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sáng 17-11 - Ảnh: ANTĐ
Ông Chung cho biết TP Hà Nội đã mời các chuyên gia Đức nghiên cứu và có chế phẩm để cải tạo chất lượng nước hồ. Công việc thử nghiệm đã hoàn thành. Thời gian tới sẽ xử lý chất lượng nước hồ trên diện rộng.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết thêm Hà Nội và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm có kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt. Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã mời các công ty tư vấn trong và ngoài nước khảo sát đánh giá mức độ ô nhiễm của hồ Tây. Muốn làm sạch phải nạo vét hàng triệu tấn bùn; thu gom nước thải xả xuống hồ, hiện còn 8 cửa xả chưa được xử lý.
Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã nhận được nhiều kiến nghị của cử tri liên quan đến vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết trên phố Trần Thái Tông vào ngày 1-11 vừa qua.
Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm
Cụ thể, cử tri Phạm Trọng Biển (Phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) cho rằng hậu quả vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết là hết sức nghiêm trọng. Vậy trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu?
Đồng quan điểm với ý kiến trên, cử tri Nguyễn Văn Hồi (Phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) cho rằng: “Cơ quan chức năng nên thường xuyên rà soát, kiểm tra những cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí chứ không phải cứ sau khi xảy ra hỏa hoạn chết người mới chấn chỉnh và đồng loạt ra quân”.
Trước những kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Thành ủy Hà Nội đã xem xét trách nhiệm của UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Dịch Vọng Hậu và một số cán bộ quản lý khác.
“Quan điểm của thành phố là sẽ xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm cán bộ, cơ quan có trách nhiệm liên quan đến cấp phép như Sở Văn hóa; Sở Cảnh sát PCCC, Công an TP….Chúng tôi sẽ xem xét xử lý và công bố công khai, còn trách nhiệm của cán bộ quận đã được xem xét. Tôi tin trong tuần sau sẽ có kết quả xử lý để công bố công khai”- người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội nhấn mạnh.
Mới đây, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, ở quận Hà Đông, TP Hà Nội), Lê Thị Thì (tên gọi khác là Thanh, SN 1962, ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) và Hoàng Văn Tuấn (SN 1993, ở Nghệ An) về hành vi vi phạm quy định về Phòng cháy chữa cháy.
Theo kết quả điều tra ban đầu về vụ cháy quán karaoke của Công an TP Hà Nội, nhà số 68 Trần Thái Tông được chị Nguyễn Diệu Linh hợp đồng thuê 10 năm (từ 1-7-2016 đến 1-7-2026) để kinh doanh dịch vụ karaoke.
Sau khi thuê công ty thiết kế thi công, lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC). Ngày 13-10, Cảnh sát PCCC thành phố đã cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Đến ngày 31-10, Công ty Thiện An Phú đã thi công đúng theo hồ sơ được thẩm duyệt được 90% tiến độ công trình. Tuy nhiên, chưa kết nối các hệ thống nên các thiết bị chưa hoạt động.
Ngày 1-11, trong lúc thợ thi công tháo cánh cửa ra vào ở tầng 2, chị Linh vẫn cho khách hát tại phòng 502 và 601 từ 12 giờ. Đến 13 giờ 30 phút, anh Hoàng Văn Tuấn (23 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) là thợ hàn cắt (không có bằng cấp, chứng nhận hành nghề) được thuê làm tại tầng 2, cắt bản lề cửa thì lửa và vảy hàn chảy xuống nền nhà, bắn lên vách gây cháy. Hậu quả, làm 13 người thiệt mạng, cháy toàn bộ tài sản của quán karaoke 68, 11 xe máy, 1 xe đạp điện. Vụ cháy còn ảnh hưởng sang các quán Bách Lộc, quán Kstar 72, quán Nhật số 74 Trần Thái Tông.
Bình luận (0)