* Phóng viên: Ông suy nghĩ thế nào đối với bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây về vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?
- Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: Trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rất thẳng thắn, rõ ràng và đúng sự thật. Đặc biệt, trả lời của ông cũng phản ánh đúng tâm tự, nguyện vọng của nhân dân cả nước. Đúng như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: “Chúng ta kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm. Đối với bất cứ người Việt Nam nào, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Nhân dân ta luôn có truyền thống yêu nước nồng nàn. Mỗi khi độc lập, chủ quyền đất nước bị đe dọa thì nhân dân ta luôn đoàn kết một lòng, đứng lên bảo vệ Tổ quốc”. Tôi luôn tin vào điều này và các nước, nhất là Trung Quốc, càng phải ghi nhớ bởi lịch sử dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm qua đã chứng minh rất rõ chân lý: Bất kỳ kẻ thù nào xâm lược hay gây hấn với Việt Nam cuối cùng đều phải trả giá và thất bại.
Không chỉ trong lịch sử mà như lời Chủ tịch nước là trong thời đại của chúng ta, Việt Nam đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước. Chúng ta không để phụ thuộc bất cứ nước nào về chính trị và kinh tế dù phải thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế của chúng ta có chịu ảnh hưởng ở mức độ nhất định vào Trung Quốc.
* Nhiều người rất phấn khởi, vững dạ khi Chủ tịch nước nhắc lại lời của vua Lê Thánh Tông rằng không ai được bán rẻ đất nước, bán rẻ chủ quyền Tổ quốc?
- Ý của Chủ tịch nước trong câu trả lời này rất rõ ràng, tôi cũng như nhiều người dân hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ. Bởi không người nào trên đất nước này có thể dung túng hay tha thứ cho ai đó vứt bỏ một thước núi, một tấc sông của cha ông để lại. Cũng như lời dặn của vua Lê Thánh Tông thì lãnh đạo các bộ, ngành chức năng như ngoại giao, quốc phòng… phải “kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di!”.
Dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng nghe trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước, tôi thấy rất đỗi yên tâm.
* Ở thời trung tướng, kinh nghiệm đối phó với dã tâm của Trung Quốc của lãnh đạo nước ta như thế nào?
- Ở giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc có giúp đỡ ta nhiều mặt. Nhưng về đường lối, chủ trương, chúng ta hoàn toàn độc lập, tự chủ. Lúc đó, họ không muốn chúng ta chiến thắng ở miền Nam nhưng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết chí một lòng và đồng chí Lê Duẩn đã cương quyết lãnh đạo làm đến cùng, cho đến ngày thắng lợi, đất nước liền một dải.
Việt Nam là một nước nhỏ, không thể yên trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Sau năm 1975, họ lại chủ động tấn công chúng ta ở biên giới phía Bắc, xâm chiếm đảo ở Trường Sa. Từ xưa đến nay, dã tâm xâm lăng dân tộc Việt Nam của Trung Quốc là không thay đổi và kể cả sau này.
Về chính trị, chúng ta không và sẽ không bao giờ lệ thuộc phương Bắc; mặt khác, chúng ta phải giữ được độc lập về kinh tế, nâng cao khả năng tự chủ và sức cạnh tranh để có thêm nguồn lực đầu tư cho an ninh, quốc phòng.
* Như trả lời của Chủ tịch nước là “Chúng ta kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm. Đối với bất cứ người Việt Nam nào, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế”, thái độ quyết liệt này là hết sức cần thiết, thưa ông?
- Chắn chắn là như vậy. Nếu độc lập, chủ quyền của chúng ta bị vi phạm thì dù bất cứ giá nào chúng ta cũng không chấp nhận. Hiện chúng ta căn cứ theo tình hình thực tế mà có đối sách phù hợp. Song, một nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ đánh đổi độc lập, chủ quyền của dân tộc. Dù hoàn cảnh nào, dù họ lớn đến đâu, chúng ta cũng không bao giờ run sợ.
* Trong bối cảnh thế giới đang phức tạp, bất ổn thì Việt Nam cần áp dụng chính sách đối ngoại ra sao, thưa ông?
- Tôi đồng ý với quan điểm của Chủ tịch nước là kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Mặt khác, kiên trì giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng đất nước; giữ quan hệ láng giềng hữu nghị với nhân dân Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Việt Nam đã và sẽ tiếp tục làm bạn với các quốc gia trên thế giới để họ hiểu được sự chính nghĩa, sự thật về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, đặc biệt là để chính nhân dân Trung Quốc hiểu rõ.
* Ông có tán thành quan điểm khởi kiện Trung Quốc ra tòa án, tổ chức tài phán quốc tế?
- Việc này là hết sức cần thiết. Chúng ta phải tranh thủ mọi quy định luật pháp quốc tế để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bình luận (0)