Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá 13 của Quốc hội - Ảnh: Nguyễn Nam
Quốc hội nhận trách nhiệm trước yếu kém của đất nước
Mở đầu ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) khoá XIII, sáng 22-3, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá 13 của QH. Bên cạnh những kết quả to lớn mà QH khoá XIII đạt được, báo cáo cũng nêu lên không ít yếu kém, hạn chế trong cả nhiệm kỳ hoạt động.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh có thể khẳng định thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa 13 là QH đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Quốc hội đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, lắng nghe, gạn lọc, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các ngành, các cấp và đồng bào, cử tri cả nước, kịp thời ban hành các quyết sách đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.
Chủ tịch cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội nhận rõ phần trách nhiệm trước những tồn tại, yếu kém của đất nước. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng, tái cơ cấu kinh tế chậm, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những vấn đề bức xúc.
Cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu. Kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm, tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo tiếp tục đứng trước những thách thức mới...
Lý giải về những hạn chế này, ông Nguyễn Sinh Hùng cho rằng một phần do tác động của cuộc suy thoái kinh tế thế giới và những hạn chế, yếu kém vốn có của nền kinh tế. Phần khác, do một số chỉ tiêu đặt ra chưa sát với thực tiễn. Quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng chưa được quy định đầy đủ, thống nhất; việc giám sát, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện chưa nghiêm. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, thiếu thời gian nghiên cứu và chưa có điều kiện sử dụng chuyên gia tư vấn, phản biện.
Thăng hàm cấp tướng cho 313 người trong nhiệm kỳ
Cũng trong sáng 22-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng thẳng thắn thừa nhận, với vai trò là người đứng đầu nhà nước về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch nước có phần trách nhiệm với những yếu kém của đất nước hiện nay.
Chủ tịch nước Trường Tấn Sang báo cáo tại QH sáng 22-3-ảnh: Nguyễn Nam.
Cụ thể, trong lĩnh vực tư pháp, vẫn còn hiện tượng xuống cấp trong đội ngũ cán bộ về phẩm chất chính trị, đạo đức, và yếu kém nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu, cán bộ còn nhũng nhiễu, tiêu cực. Công tác kiểm tra giám sát, thực hiện vốn vay ODA còn chưa hiệu quả và hạn chế.
"Trong nhiệm kỳ, trước một số vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng, bức xúc, Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn", ông Sang nêu rõ.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh mặc dù có cố gắng nhưng có mặt vẫn chưa đáp ứng được hết đòi hỏi ngày càng cao thực tế của đất nước và sự kỳ vọng của nhân dân, cử tri.
Chủ tịch nước cho biết trong nhiệm kỳ đã chỉ đạo sát sao, kịp thời về phong quân hàm, nhất là cấp tướng. Thẩm tra, rà soát kỹ lưỡng, thận trọng các trường hợp này. Có 194 sĩ quan quân đội, 119 sĩ quan công an được phong cấp tướng trong nhiệm kỳ. Chủ tịch nước đã đặc xá tha tù trước thời hạn gần 44.000 phạm nhân; xét và quyết định ân giảm án tử hình cho một số bị án.
8 hạn chế, yếu kém của Chính phủ
Sáng 22-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo Công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chính phủ, Thủ tướng đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực có phần đóng góp và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Về quản lý kinh tế xã hội, báo cáo cho hay, Chính phủ, Thủ tướng đã lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã tập trung thực hiện chức năng nhiệm vụ trong việc củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Chú trọng đầu tư xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa nhanh một số quân, binh chủng, lực lượng và phát triển công nghiệp quốc phòng, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phức tạp, nhạy cảm; giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tẫn Dũng thừa nhận năng lực dự báo còn hạn chế - Ảnh: Nguyễn Nam.
Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém về lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đó là năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời.
Sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế chưa thật đồng bộ, có mặt hiệu quả chưa cao. Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm và chưa đồng bộ. Tái cơ cấu đầu tư công; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhiều mặt hiệu quả chưa cao. Năng lực dự báo và nguồn lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu.
Vẫn còn những hạn chế trong phân cấp quản lý kinh tế, xã hội; chỉ đạo phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; trách nhiệm giải trình, nhất là của người đứng đầu. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi.
Đề nghị Chính phủ làm rõ nhiều vấn đề
Qua báo cáo thẩm tra công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Phan Trung Lý cho biết trong Báo cáo của Chính phủ đã phân tích, đánh giá những mặt làm được, những hạn chế, yếu kém, nêu lên các nguyên nhân và một số bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật đề nghị cần phân tích, đánh giá sâu hơn các nội dung liên quan đến hiệu quả, hạn chế, yếu kém và trách nhiệm trong hoạt động của Chính phủ, các thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ qua.
Về công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ phải đánh giá kỹ hơn về việc tổ chức triển khai những chính sách, biện pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người nước ngoài đóng góp tích cực về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; vấn đề nợ công; nguyên nhân và trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để tình trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ vượt giới hạn quy định, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp; vấn đề tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Về tổ chức bộ máy, quản lý nền hành chính quốc gia, Ủy ban Pháp luật của QH đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của Nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”, nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân chậm được khắc phục.
Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Ủy ban Pháp luật cho rằng báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu; tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục.
”Đề nghị trong báo cáo cần thể hiện rõ hơn nội dung này với sự phân tích, đánh giá, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục” - ông Phan Trung Lý nói.
Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật đề nghị Chính phủ cần chủ động hơn trong việc đề xuất chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp, giải pháp cơ bản, chiến lược để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và ứng phó kịp thời với những diễn biến tình hình trước những vấn đề mới, nhạy cảm, phức tạp của thế giới và khu vực.
Bình luận (0)