Trong một lần kiếm ăn, chú voi rừng tên Jun (khoảng 5 tuổi) dẫm phải bẫy cùm của thợ săn. Đeo chiếc bẫy chạy khắp núi rừng, đến ngày 7-5-2015, chú voi này chi chít vết thương, kiệt sức ở khu vực rừng biên giới Việt – Campuchia.
Một con voi rừng bị sát hại ở Đắk Lắk
Voi rừng sống với người
Trưa 14-5, sau nhiều ngày đêm băng rừng, lội suối, đội cứu hộ cùng với sự giúp đỡ của 2 chú voi nhà đã áp sát, bắn thuốc mê khống chế được Jun. Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ đã lai dắt Jun về khu vực rừng thuộc lâm phần Trạm Kiểm lâm số 9, Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk).
Chân trước bên trái của Jun đã dẫm phải bẫy có nhiều hình răng cưa cùm chân lại. Trong lúc di chuyển, các hình răng cưa càng ăn sâu vào chân khiến chân Jun gần đứt lìa, chiếc vòi dùng để gỡ bẫy cũng bị thương nặng. Lúc được giải cứu, những vết thương này đã lâu ngày, hoại tử, sưng mủ, nhiễm trùng khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Trong năm 2015, đã có 4 con voi nhà chết do bị sát hại, bệnh tật
Trong năm qua, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk phối hợp với các tổ chức bảo vệ động vật trong và ngoài nước đã mời nhiều chuyên gia, bác sĩ thú y về chữa trị vết thương và huấn luyện Jun, trong đó có bà Erin Ivory (người Mỹ) và bà Georgina Allen (người Anh).
“Dù nhiều chuyên gia nước ngoài đã tới điều trị, chúng tôi cũng đã dùng nhiều loại thuốc chuyên dụng nhưng Jun đang phải chịu đựng đau đớn vô cùng. Sau gần 1 năm điều trị, hiện vết thương ở vòi có dị tật đã lành, riêng vết thương ở chân vẫn còn nghiêm trọng, mủ chạy ra nhiều, có nguy cơ bị hoại tử” – bà Georgina Allen buồn rầu nói.
Sau 2 tháng huấn luyện, Jun đã thực hiện được nhiều yêu cầu do con người đưa ra
Với vết thương như vậy, Jun không thể tồn tại trong môi trường tự nhiên mà cần phải có sự hỗ trợ của con người. Do đó, song song với việc điều trị vết thương, Jun đang được thuần dưỡng, huấn luyện để sống trong môi trường có sự giám sát của con người.
Ông Đỗ Viết Thụ, Trưởng Phòng Voi hoang dã (Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk), phấn khởi cho biết: Được sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài, sau vài tháng huấn luyện theo “phương pháp huấn luyện tích cực” Jun đã trở nên thân thiện với con người. Hiện nay, Jun đã hiểu và thực hiện được rất nhiều yêu cầu của người huấn luyện như đưa chân vào chậu để ngâm thuốc, nhấc chân, há miệng để kiểm tra sức khỏe…
Bảo tồn voi Việt Nam: Không còn nhiều thời gian!
Chỉ tính riêng trong năm 2015, ở tỉnh Đắk Lắk đã có 4 con voi nhà chết, chủ yếu do bị sát hại, bệnh tật.
Theo bà Erin Ivory, công tác bảo tồn voi ở Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết bởi thời gian càng kéo dài, voi càng già thì khả năng sinh sản sẽ giảm. Quần thể voi hoang dã ở Việt Nam không còn nhiều, trong môi trường sống của voi đang nhanh chóng bị thu hẹp. Đối với voi nhà, qua khảo sát mới nhất thì hiện chỉ còn 12 con voi cái đang ở độ tuổi sinh sản.
Hai chuyên gia nước ngoài (bìa phải) chia sẻ nhiều điều đáng suy ngẫm về công việc bảo tồn loài động vật quý hiếm này
Ở Việt Nam, điểm chung là voi bị bắt sống riêng lẻ từng cá thể. Người dân xích voi, không cho voi đi lại tự do và bắt voi phục vụ du lịch. Khi họ đưa voi vào rừng cho ăn, họ cũng xích vào cây khiến voi không có không gian, không có môi trường sống của riêng mình. Trong khi đó, phần lớn các nước trên thế giới voi được quản lý theo đàn, có sự tương tác theo quần thể gia đình nên việc bảo tồn rất thành công. Voi chỉ được bảo tồn khi voi được sống với chính bản năng của nó, sống bầy đàn, không phục vụ du lịch.
Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân rất quan tâm đến công tác bảo tồn loài voi ở Việt Nam. “Chúng tôi đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hỗ trợ về tài chính, nhân lực giúp Việt Nam bảo tồn thành công loài động vật quý hiếm này” - bà Georgina Allen nói.
Bình luận (0)