Ngày 1-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật An toàn thực phẩm. Đồng tình với việc cần thiết ban hành luật nhưng nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng vẫn chưa điểm “trúng huyệt” những vấn đề nóng bỏng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hiện nay.
Phạt nặng để răn đe
ATVSTP là mối lo thường trực hằng ngày của mọi gia đình nên khi bàn trên nghị trường về vấn đề này cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất trong các phiên thảo luận kể từ đầu kỳ họp đến nay. Vấn đề nóng bỏng nhất là mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong ATVSTP.
Thức ăn đường phố, nỗi lo về an toàn thực phẩm. Ảnh: THẾ DŨNG
ĐB Phan Trọng Khánh (Hải Phòng) cho rằng mức phạt tiền ít nhất bằng giá trị và nhiều nhất không quá 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ là kẽ hở để doanh nghiệp “thỏa thuận” với lực lượng chức năng. Tán đồng với ý kiến trên, ĐB Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đề nghị tăng mức xử phạt lên gấp 10 lần, thậm chí phạt càng nặng càng cao thì sức răn đe càng lớn.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng cho rằng mức chế tài quy định trong luật như vậy là chưa đủ mạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẵn sàng nộp phạt khi bị phát hiện. Còn ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề xuất luật nên quy định biện pháp xử lý vi phạm trong ATVSTP là đưa vụ việc lên các phương tiện truyền thông sẽ có tác dụng lớn hơn nhiều so với việc phạt tiền.
Truy đầu vào thực phẩm “bẩn”
ĐB Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) nhận xét hằng năm VN có 3 triệu người ngộ độc thực phẩm và tiêu tốn cho vấn đề này khoảng 4.000 tỉ đồng. Theo bà Hằng, sản phẩm đến tay người tiêu dùng trải qua rất nhiều công đoạn. Do vậy, khi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì người sản xuất, cũng như người bán sỉ thực phẩm, nguyên liệu... phải chịu trách nhiệm đền bù mọi thiệt hại gây ra.
Để làm được điều này, bà Hằng kiến nghị tất cả thực phẩm có bao bì phải ghi đầy đủ xuất xứ hàng hóa, nơi sản xuất... trên nhãn, kể cả thông tin về biến đổi gien để thuận tiện việc truy trách nhiệm khi xảy ra thiệt hại và cho thấy mỗi công đoạn đều có sự kiểm soát của Nhà nước.
Nhiều ĐB cũng kiến nghị dự luật chưa đề cập trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị có sử dụng và tiêu thụ thực phẩm để phục vụ cho người lao động, đặc biệt là các bếp ăn tập thể. Khi có sự cố, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm. Nhiều ĐB cũng cho rằng dự luật phải làm rõ vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành đối với vấn đề an toàn thực phẩm, tránh tình trạng quy định chung chung, không ai chịu trách nhiệm chính khi vụ việc xảy ra.
Trước lo ngại này, ông Thuyết đề xuất thành lập Ủy ban An toàn thực phẩm quốc gia. Theo ông Thuyết nếu để Bộ Y tế là “nhạc trưởng” bảo đảm ATVSTP thì sẽ xảy ra chuyện “nhạc trưởng” vừa kéo violon vừa thổi kèn trong dàn nhạc và sẽ không hiệu quả. Bộ Y tế chỉ nên thay mặt Chính phủ quản lý một cách thống nhất, còn các bộ, các địa phương quản lý trong phạm vi ngành của mình. Bộ Y tế chỉ đi kiểm tra và khi kiểm tra đến ngành nào, địa phương nào có chuyện thì báo cáo Thủ tướng để “xin” bộ và địa phương cái... “ghế” của người đứng đầu.
Thanh tra phải độc lập
Thảo luận tổ chiều 1-6 về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều ĐBQH cho rằng muốn để thanh tra phát huy hết chức năng nhiệm vụ được giao phải đề cao tính độc lập của cơ quan này.
“Thanh tra mà phải xin ý kiến thủ trưởng từ việc lập đoàn thanh tra, ký vào kết luận thanh tra và chỉ kiến nghị xử lý thì thanh tra làm gì cho mất công”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Trần Đình Long (Đắk Lắk) ủng hộ tính độc lập của cơ quan thanh tra.
Nhiều ĐB cũng cho rằng cần có quy định để xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của cơ quan thanh tra, người đứng đầu cơ quan thanh tra, trưởng đoàn thanh tra... trong việc phát hiện vi phạm pháp luật hoặc có phát hiện nhưng kiến nghị, xử lý không triệt để; đặc biệt đối với trường hợp thanh tra kết luận không có sai phạm nhưng sau đó lại phát hiện có vi phạm pháp luật...
P. Dương |
Bình luận (0)