icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nặng thu hơn chống ô nhiễm

Thế Dũng-Tô Hà

Góp ý dự án Luật Thuế Bảo vệ Môi trường, một số đại biểu Quốc hội đã có nhận xét như trên

Ngày 31-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế Bảo vệ Môi trường. Hầu hết đại biểu (ĐB) đồng tình với sự cần thiết phải đánh thuế để bảo vệ môi trường nhưng lo ngại sẽ tăng thêm gánh nặng cho người dân.

img
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội): Đánh thuế môi trường đối với xăng dầu có thể chất thêm gánh nặng lên người tiêu dùng. Ảnh: Thế Dũng
 
Giá tăng theo... thuế
 

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nhìn nhận đánh thuế môi trường đối với xăng dầu thì giá xăng dầu lại tăng lên và có thể thêm gánh nặng lên người tiêu dùng vì đây là thuế gián thu. Còn theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, thực chất sắc thuế này chỉ làm khổ thêm dân.

Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho rằng hiện nay trong giá xăng dầu đã bao gồm nhiều loại thuế, phí và chiếm tới 40% giá thành.
 
 Nếu áp dụng mức thuế suất đối với xăng dầu như dự thảo luật, ngay cả khi trừ phí xăng dầu thì giá bán vẫn sẽ tăng, đồng thời dẫn đến tăng giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có sử dụng xăng dầu. Vì vậy cần tính toán hợp lý để tránh gây tác động đến đời sống, giá thành sản phẩm, kiềm chế lạm phát, duy trì cân đối kinh tế vĩ mô.
 
Tham gia phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên phân trần: “Dù người dân có thể phản ứng nhưng thu thuế sẽ hạn chế tiêu thụ mặt hàng gây ô nhiễm môi trường đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng buộc phải tiết giảm chi phí để giảm giá thành”.
 
Thuế chồng thuế và phí
 
Làm “nóng” phiên thảo luận với hàng loạt câu hỏi và băn khoăn đối với nhiều quy định trong dự thảo luật, ĐB Trần Du Lịch phân tích năm 2008, phí xăng dầu thu 9.000 tỉ đồng trong khi tổng nguồn thu của phí môi trường là hơn 10.221 tỉ  đồng. Dự kiến năm 2009, tổng nguồn thu đạt hơn 14.000 tỉ đồng thì chủ yếu vẫn là phí xăng dầu. “Đây là khoản thu lớn nhất, dễ nhất nhưng luật lại không làm giảm sử dụng xăng dầu. Dự thảo luật này có động cơ thu tài chính nhiều hơn chống ô nhiễm”- ông Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm.
 
Bên cạnh đó, theo ĐB Nguyễn Đình Quyền, sắc thuế này thực chất cũng trùng với các phí môi trường vì có nhiều nội dung đánh cả thuế và thu phí, thuế trùng thuế, trong đó có xăng dầu. ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) góp ý Chính phủ cần xem lại danh mục phí, thuế, cái nào đóng rồi thì thôi để tránh chồng chéo, trong đó có mặt hàng xăng dầu.
 
Giải thích những băn khoăn này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng việc thu phí và thuế đối với môi trường sẽ phải tính lại vì phí là đánh vào quá trình sản xuất, còn thuế là đánh vào quá trình sử dụng làm hại môi trường. 
 
ĐB Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, đề nghị nên bổ sung đối tượng chịu thuế đối với khai thác khoáng sản như khai thác vàng, cát. Còn theo ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM), chỉ có 5 nhóm hàng hóa  thuộc diện chịu thuế trong khi có nhiều sản phẩm khác có hại không được đưa vào danh sách là không hợp lý. Đề nghị phải khảo sát, liệt kê hết các sản phẩm gây độc hại đến môi trường để bổ sung vào danh sách chịu thuế.
 
Trước đề xuất này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho hay danh mục chịu thuế môi trường sẽ được tiếp tục bổ sung, như ở Đan Mạch có tới 23 loại thuế môi trường.
 
Thuế xăng có thể tới 4.000 đồng/lít
 
Ngày 31-5, QH nghe các báo cáo của Chính phủ và các ủy ban của QH về 3 dự án luật: Luật Thuế Bảo vệ Môi trường, Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Khoáng sản (sửa đổi). Đây là 3 dự án luật được trình QH cho ý kiến lần đầu. Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, hiện VN chưa có một sắc thuế riêng về bảo vệ môi trường để thu trên những hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường. Việc thu thuế này nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng những mặt hàng như vậy.
 

Dự kiến, các đối tượng chịu thuế môi trường bao gồm: xăng dầu, than, môi chất làm lạnh, túi nhựa xốp (túi ni lông), thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa kể trên. Dự thảo luật quy định biểu khung thuế môi trường với mức thuế tuyệt đối tối thiểu và mức thuế tuyệt đối tối đa. Đơn cử, với xăng dầu, mức tối đa trong khung quy định là 4.000 đồng/lít xăng; 2.000 đồng/lít dầu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo