Ngày 25-4, tại buổi công bố kế hoạch tổ chức Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 4 do Liên Hiệp Quốc phát động, TS Lokky Wai - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam - đề nghị giảm tốc độ tối đa của xe cơ giới lưu thông trong đô thị từ 60 km/giờ xuống 50 km/giờ nhằm giảm tai nạn giao thông (TNGT).
Có phần khiên cưỡng
Cũng tại hội nghị nói trên, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét lại quy định về tốc độ hiện nay, trong đó có cắm các biển hạn chế tốc độ tại các khu vực nguy hiểm.
Trước đó, Thông tư 91/2015/TT-BGTVT (Thông tư 91) của Bộ GTVT (hiệu lực từ ngày 1-3-2016) cho phép nâng tốc độ tối đa của xe cơ giới thêm 10 km/giờ ở khu vực đông dân cư. Cụ thể, trên đường bộ trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), các loại xe cơ giới được lưu thông tối đa 60 km/giờ ở đường đôi có dải phân cách, đường một chiều có 2 làn xe trở lên; tối đa 50 km/giờ tại đường hai chiều không có dải phân cách, đường một chiều có một làn xe cơ giới. Quy định này nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia, đơn vị vận tải sau hơn một năm có hiệu lực. Chính vì vậy, nhiều người bất ngờ với đề xuất giảm tốc độ nêu trên.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép tại Thông tư 91 là cần thiết, đã căn cứ những quy chuẩn thiết kế kỹ thuật của các tuyến đường. Ngoài ra, khi chất lượng đường đã tốt hơn, xe được kiểm soát chặt chẽ hơn thì việc nâng tốc độ cho phương tiện là hoàn toàn hợp lý. Vì thế, nói tăng tốc độ sẽ gia tăng TNGT là có phần khiên cưỡng bởi TNGT xảy ra phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông.
Ở góc độ kinh doanh vận tải, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải - Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng), bày tỏ ủng hộ việc điều chỉnh tăng tốc độ tối đa của xe cơ giới ở các loại đường khác nhau vì đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như giảm chi phí và tăng doanh thu. “Xảy ra TNGT là do nhiều nguyên nhân, như: ý thức của người tham gia giao thông, kỹ năng lái xe, kỹ thuật phương tiện, chất lượng hạ tầng giao thông... chứ không chỉ là do tăng tốc độ” - ông Hải bày tỏ.
Theo thống kê của Cục CSGT, năm 2015 cả nước xảy ra 22.827 vụ TNGT. Các lỗi vi phạm chủ yếu dẫn đến TNGT là: đi không đúng làn đường, phần đường quy định (chiếm 26%); chạy quá tốc độ và chuyển hướng không đúng quy định, mỗi loại chiếm 9%. Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, năm 2016, cả nước xảy ra 21.589 vụ TNGT (giảm 5,52% số vụ so cùng kỳ năm 2015). Qua phân tích, đa phần các vụ TNGT xảy ra là do ý thức của người tham gia giao thông (chiếm 71,6%). Trong đó, hành vi đi không đúng phần đường, làn đường chiếm 25,32%; chuyển hướng không bảo đảm an toàn: 8,91%; sử dụng rượu, bia: 3,5%; chạy quá tốc độ quy định: 9,35%.
Không nên vội kết luận
Trước ý kiến đề xuất giảm tốc độ, ông Vũ Ngọc Lăng - Vụ trưởng Vụ ATGT của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) - cho biết tổng cục này đã có công văn xin ý kiến của ban ATGT các tỉnh, các sở GTVT, các hiệp hội vận tải về đề xuất nói trên. Một số đơn vị đã gửi góp ý về cho biết đồng ý với quy định tốc độ hiện nay, chỉ có Cục CSGT đề nghị giảm tốc độ.
Ông Lăng nói rằng để có thay đổi theo đề xuất của Cục CSGT, cần đưa số liệu chứng minh việc tăng tốc độ làm ảnh hưởng đến TNGT, còn như hiện nay thì chưa đủ thuyết phục.
“Chỉ nên hạn chế tốc độ tại những khu vực nguy hiểm, thậm chí hạn chế tốc độ theo giờ ở các khu công nghiệp, trường học lúc tan trường mà thôi, không nên giảm tốc độ đồng loạt” - ông Lăng bày tỏ quan điểm và cho biết nguyên nhân gây TNGT do vi phạm tốc độ chiếm 9,35% của năm 2016, không có sự khác biệt nhiều so các năm trước nên chưa thể kết luận việc tăng tốc độ thì làm tăng TNGT.
Số liệu do Cục CSGT cung cấp cho thấy năm 2015 khi chưa nâng tốc độ theo Thông tư 91, vi phạm tốc độ chiếm 9% trong tổng số vụ TNGT. Còn theo Ủy ban ATGT quốc gia, tỉ lệ chênh lệch số vụ TNGT ở khu vực đô thị trước và sau khi có quy định tăng tốc độ là không đáng kể. Năm 2015, TNGT trong đô thị chiếm 31% tổng số vụ, năm 2016 chiếm 32,65%.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhấn mạnh rằng ông cũng như nhiều thành viên hiệp hội không đồng tình với đề nghị giảm tốc độ cả trong và ngoài đô thị. “Chưa có cơ sở thuyết phục để chứng minh việc cho phép tăng tốc độ làm tăng TNGT. Vì vậy, không nên vội vã kết luận” - ông Thanh bày tỏ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cũng cho rằng việc điều chỉnh tốc độ là vấn đề lớn, phải có cơ sở chắc chắn, cần lấy ý kiến nhiều thành viên Ủy ban ATGT quốc gia chứ không thể thay đổi một cách đơn giản. Việc điều chỉnh tăng tốc độ tại Thông tư 91 hoàn toàn theo thiết kế đường và không gây gia tăng TNGT. Sau khi điều chỉnh tốc độ, Bộ GTVT đã tăng cường các biện pháp quản lý bằng thiết bị công nghệ, hệ thống camera giám sát và phạt nguội vi phạm. Tổng cục Đường bộ đã cập nhật các vụ TNGT, nhất là trên đường cao tốc. “Nguyên nhân chủ yếu do lái xe xử lý các tình huống không đúng, không phải do chạy quá tốc độ” - ông Huyện cho hay.
Bình luận (0)