Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có hiệu lực từ ngày 1-3-2016 cho phép nâng tốc độ tối đa của xe cơ giới thêm 10 km/giờ ở khu vực đông dân cư. Sau một năm thực hiện, một số địa phương như Tiền Giang, Đà Nẵng, TP HCM... cho rằng tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao có liên quan đến quy định được phép nâng tốc độ tại thông tư này.
Giảm 5% tốc độ, hạn chế 30% tai nạn?
Theo Thông tư 91, trên đường bộ trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), các loại xe cơ giới được chạy tối đa 60 km/giờ ở đường đôi có dải phân cách, đường một chiều có 2 làn xe trở lên; được chạy tối đa 50 km/giờ tại đường hai chiều không có dải phân cách, đường một chiều có một làn xe cơ giới.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo về kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng tuần lễ An toàn giao thông (ATGT) đường bộ toàn cầu lần thứ 4 do Liên Hiệp Quốc phát động do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức giữa tuần qua, ông Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đề xuất nên giảm tốc độ tối đa xuống 50 km/giờ trên đường bộ trong khu vực đông dân cư thay vì 60 km/giờ như hiện nay.
“Khi lái xe với tốc độ cao, khó có thể dừng ngay và ảnh hưởng tác động quán tính rất lớn. Tốc độ cao thì khả năng gây ra vết thương nghiêm trọng, tổn thất tính mạng cao hơn. Chỉ cần giảm 5% tốc độ chạy xe trung bình, chúng ta có thể giảm 30% số vụ tai nạn chết người” - ông Lokky Wai nêu ý kiến. Theo ông Lokky Wai, ở những khu vực đông dân cư như Hà Nội, mật độ giao thông rất lớn nên cần phải giảm tốc độ. Nhiều TP lớn trên thế giới còn giảm tốc độ xuống 30 km/giờ ở các khu vực gần trường học và khu đông dân cư.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) - Bộ Công an, cho biết vi phạm tốc độ là nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Qua thống kê, năm 2016 có 12,9% vụ tai nạn do vi phạm tốc độ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Năm 2015, Bộ GTVT ban hành Thông tư 91 nâng tốc độ tối đa thêm 10 km/giờ với quan điểm đã bỏ tiền ra xây đường tốt thì tốc độ phải tăng lên. Tuy nhiên, có nghịch lý là đường của Việt Nam chủ yếu giao thông hỗn hợp, người tham gia giao thông chấp hành chưa tốt, nhất là ở khu vực đô thị.
Phó Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh việc khảo sát, đánh giá thực trạng là để xem xét lại, đề xuất tốc độ hợp lý ở những nơi có nguy cơ gây TNGT qua những vụ việc cụ thể chứ không phải giảm tốc độ ở tất cả các tuyến đường. Về ý kiến cho rằng giảm tốc độ tối đa làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông, ông Dánh khẳng định nhận định đó chưa chính xác.
Xem xét toàn diện
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT - Bộ GTVT, cho biết bộ này đang đánh giá toàn bộ các quy định về tốc độ ở từng khu vực, trong đó giao Tổng cục Đường bộ xem xét giảm tốc độ ở khu vực “điểm đen” tai nạn.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, hầu hết các nước phát triển quy định chạy xe 50 km/giờ ở trong đô thị, khu vực đông dân cư, có nước chỉ cho phép 40 km/giờ. Vì vậy, Ủy ban ATGT quốc gia cũng đã đề nghị Bộ GTVT rà soát Thông tư 91, sửa đổi nếu thấy cần thiết.
Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất giảm tốc độ lưu thông do lo ngại tăng TNGT là không đủ căn cứ. Trong bối cảnh đường đẹp, xe tốt hơn mà giảm tốc độ lưu thông tối đa là lãng phí nguồn lực. Vì thế, chỉ nên hạn chế tốc độ tại “điểm đen” có nguy cơ TNGT cao.
TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông, Trường ĐH Việt Đức - cho rằng muốn đánh giá chính xác nguyên nhân TNGT phải xem xét rất nhiều khía cạnh, gồm cả ý thức người tham gia giao thông, phương tiện, hạ tầng và các quy định liên quan. “Tôi cho rằng chưa đủ căn cứ để kết luận do Thông tư 91 mà TNGT gia tăng. Thay vì giảm tốc độ, nên quan tâm hơn đến biển báo, vạch phản quang, gờ giảm tốc, đặc biệt là tại các vị trí đã được xác định “điểm đen” TNGT” - TS Tuấn kiến nghị.
Xóa “điểm đen” tai nạn
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho rằng Thông tư 91 đã đáp ứng kịp thời, phù hợp với quá trình thay đổi, phát triển về chất lượng của kết cấu hạ tầng giao thông và chất lượng phương tiện, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông. Cơ quan này đã và đang tiếp tục rà soát, loại bỏ các biển báo không phù hợp, bổ sung các biển báo mới, giúp người điều khiển phương tiện dễ nhận biết, đồng thời xóa “điểm đen” TNGT.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Tổng cục Đường bộ đã xử lý 112 “điểm đen” cũng như các điểm tiềm ẩn mất ATGT. Đến hết năm 2017, tổng cục sẽ xử lý khoảng trên 300 “điểm đen”, tập trung vào các điểm nguy hiểm cấp bách và các điểm có kinh phí bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ. 293 điểm còn lại sẽ được xử lý dần trong kế hoạch bảo trì vào các năm tiếp theo.
Bình luận (0)