Hai ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng tại cầu Ghềnh, thuộc địa bàn phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai), qua kết quả phân tích hộp đen của các lực lượng chức năng cho thấy lúc xảy ra tai nạn, đoàn tàu SE2 đang lưu thông với vận tốc 62 km/giờ.
Khi đoàn tàu di chuyển cách đầu cầu phía Nam khoảng 250 m thì lái tàu đã nhấn phanh để hãm tàu. Song do khoảng cách quá gần nên đoàn tàu vẫn lướt tới với vận tốc lớn nên đã đâm vào 6 ô tô đang lưu thông trên cầu.
Nhiều cầu sử dụng trên 100 năm
Theo quy định của Luật An toàn giao thông đường sắt, đối với đường ngang và cầu chung với đường bộ đều phải có người gác. Trong trường hợp khi đèn tín hiệu không hoạt động hoặc báo hiệu sai quy định hay chắn đường bộ bị hỏng thì nhân viên gác đường ngang, nhân viên gác cầu chung phải điều hành giao thông.
TTXVN dẫn lời ông Lê Đăng Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý đường sắt Biên Hòa, cho biết: Sau khi xảy ra tai nạn, qua kiểm tra mới biết đèn tín hiệu báo khẩn cấp tại đầu cầu cách đó 800m đã bị hỏng.
Nhưng theo quy định, nếu phát hiện nguy hiểm trong khi đèn tín hiệu bị hỏng thì nhân viên gác chắn phải có trách nhiệm ra hiệu lệnh để đoàn tàu dừng lại. Theo điều tra ban đầu, nhân viên gác chắn tại cầu Ghềnh đã không thực hiện hiệu lệnh cho tàu dừng nên đã xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Ngày 8-2, ông Nguyễn Văn Công, người phát ngôn của Bộ GTVT, cho biết không chỉ tại cầu Ghềnh (Đồng Nai) mà ở rất nhiều nơi trong cả nước, việc tổ chức giao thông chung giữa cầu đường sắt và đường ô tô vẫn tồn tại, dễ gây ra nguy hiểm.
Thêm 2 người thiệt mạng vì tai nạn đường sắt
Theo TTXVN, khoảng 10 giờ ngày 8-2, tại đoạn đường sắt Km 797+915 (thuộc tổ 11, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt làm một người đàn ông tử vong tại chỗ khi băng qua đường sắt.
Còn tại Nghệ An, Công ty Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh đang phối hợp với cơ quan công an và các đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn đường sắt xảy ra trên địa bàn xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Sự việc xảy ra vào khoảng 13 giờ 40 phút ngày 8-2 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam khu gian Quán Hành - Mỹ Lý (đoạn qua xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc), tàu TN 12 chạy từ TP Vinh ra Hà Nội đã va chạm với một xe máy khi chiếc xe này đang vượt qua đường ngang dân sinh. Hậu quả, người điều khiển xe máy là anh Nguyễn Vịnh Tạo, SN 1982, thường trú xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, chết ngay tại chỗ; người con của nạn nhân (ngồi sau xe) bị thương phải đưa vào cấp cứu tại bệnh viện.
H.Dũng – B.T.D |
Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN (Bộ GTVT), cả nước hiện còn 24 chiếc cầu chung giữa đường bộ và đường sắt, trong đó, trên tuyến Bắc-Nam có 11 chiếc (cầu Đồng Nai lớn, cầu Đồng Nai nhỏ, cầu Bình Lợi, cầu Tháp Chàm, cầu Hàm Rồng,...).
Nhiều chiếc cầu được xây dựng từ thời Pháp thuộc và đến nay đã sử dụng trên 100 năm (đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có cầu Phú Lương - Hải Dương và cầu Tam Bạc - Hải Phòng, tuyến Hà Nội - Lào Cai có cầu Phố Lu,...) nhưng vẫn được sử dụng chung giữa đường bộ và đường sắt nên dễ gây ra tai nạn giao thông.
Trong chiến lược phát triển của ngành GTVT, phải mất khoảng 5 năm nữa mới giải quyết được việc tách riêng làn đường bộ và đường sắt thông qua việc làm cầu mới.
Nguyên nhân chưa từng xảy ra
Trong khi đó, ông Phạm Văn Bình, Trưởng Ban An toàn đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt VN), cho biết việc xảy ra tai nạn đường sắt liên quan đến sai sót của nhân viên gác chắn, tín hiệu như ở Đồng Nai là chưa từng xảy ra.
“Trong 2 năm 2009-2010 có tất cả 1.045 vụ tai nạn giao thông đường sắt nhưng chỉ có 38 vụ mang tính chất chủ quan của ngành, tập trung vào các lỗi như toa xe trục trặc, chất lượng đường sắt không bảo đảm, không có vụ nào từ lỗi của các nhân viên gác chắn, phụ trách tín hiệu” - ông Bình phân tích.
Ông cũng cho biết Ban An toàn đường sắt đã kiến nghị Bộ GTVT ra quy định không cho phương tiện cơ giới đường bộ đi chung với đường sắt trên một số cầu.
Ngoài ra, việc gác chắn tại các điểm chốt phải do lực lượng liên ngành với sự tham gia của thanh tra và CSGT đảm nhiệm.
“Thực tế cho thấy nếu chỉ có nhân viên ngành đường sắt túc trực thì người dân sẽ không tuân thủ nghiêm quy định bởi chúng tôi không có thẩm quyền xử phạt” - ông Bình nói.
Đến chiều 8-2 vụ tai nạn tại cầu Ghềnh đã khiến 2 người chết và 22 người bị thương (không phải 26 người như thông tin ban đầu).
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ GTVT đã họp khẩn với Cục Đường sắt VN và Tổng Công ty Đường sắt VN, bước đầu hỗ trợ 5 triệu đồng/người chết và 1 triệu đồng/người bị thương.
Bình luận (0)