Sau khi rời ga Vinh (tỉnh Nghệ An) lúc 23 giờ tối 8-2, tàu SE2 đã cán chết một thanh niên đứng cạnh đường sắt.
Theo Ban An toàn đường sắt - Tổng công ty Đường sắt VN, có thể nam thanh niên đang đứng đón ô tô cạnh Quốc lộ 1A. Trong lúc đi vệ sinh cạnh đường sắt, nạn nhân không chú ý tàu hỏa đang lao tới gần nên tử nạn.
Vụ tai nạn khiến đoàn tàu phải dừng lại 30 phút để làm các thủ tục theo quy định trước khi tiếp tục hành trình về Hà Nội.
Các vụ tai nạn đường sắt dồn dập xảy ra đầu năm 2011.
Trong ảnh là vụ tai nạn tại cầu Ghềnh, Đồng Nai (Ảnh: NLĐO)
Theo thống kê của Ban An toàn đường sắt, từ năm 2009-2010 đã xảy ra 1.045 vụ tai nạn đường sắt, cướp đi sinh mạng nhiều người.
Đáng chú ý chỉ có 38 vụ tai nạn mang tính chất chủ quan của ngành đường sắt, còn lại đều do ý thức chấp hành luật giao thông của người dân như: tự do đi đứng, sinh hoạt hàng ngày trên đường sắt; rẽ ngang đường dân sinh giao cắt với đường sắt mà không quan sát; cố điều khiển phương tiện vượt qua rào chắn dù tàu hỏa đang tới gần…
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn đường sắt, cho biết suốt tuyến đường sắt Bắc-Nam và nhiều tuyến khác tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn như tàu hỏa chạy trên vỉa hè, dưới mái hiên nhà, đi chung với đường bộ hay đi xuyên qua cả một khu dân cư đông đúc. Bên cạnh yếu tố lịch sử để lại thì người dân còn liên tục lấn chiếm xây dựng vào hành lang an toàn đường sắt.
Ngoài ra, việc mở đường ngang dân sinh tự phát trên toàn tuyến cũng dễ gây tai nạn. Trên toàn tuyến đường sắt Bắc- Nam, trung bình cứ hơn 500m lại có một đường ngang dân sinh. Ở Hà Nội, điểm đen xảy ra tai nạn là khu vực từ Hà Nội đến Phủ Lý (Hà Nam) vì dày đặc các đường ngang dân sinh tự phát.
Bình luận (0)