Như Báo Người Lao Động ngày 19-4 đã thông tin, cùng ngày tại Vientiane - Lào, Ủy ban Liên hiệp - Ủy hội sông Mê Kông (MRC-JC) đã họp phiên đặc biệt với đại diện 4 nước thành viên gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia để kết luận về tiến trình tham vấn trước (prior consultation) xoay quanh đề xuất của Lào xây dựng đập thủy điện Xayaburi.
Các đập thủy điện xây dựng trên dòng chính Mê Kông có thể làm suy giảm lượng cá quý trên sông này. Ảnh: LUGALUDA
Theo thông cáo báo chí chính thức do MRC phát đi tối 19-4, tại phiên họp, các bên đã không tìm được tiếng nói đồng thuận về dự án này nên đã đi đến quyết định: Trình vụ việc lên cấp cao hơn - cấp bộ trưởng - để tiếp tục giải quyết.
Tại phiên họp, phía Lào khẳng định rằng không nhất thiết phải mở rộng tiến trình tham vấn bởi các tác động xuyên biên giới về môi trường đối với từng quốc gia ven sông là không có.
Tuy nhiên, phía Campuchia, Thái Lan và Việt Nam cùng bày tỏ sự quan ngại về những lỗ hổng trong các tài liệu nghiên cứu về dự án cũng như những tác động bất lợi của dự án đối với môi sinh và cuộc sống người dân ở khu vực hạ lưu; đồng thời cho rằng vấn đề này cần có sự tham vấn rộng rãi của các cộng đồng dân cư.
Trong khi đó, thông cáo báo chí trích lời ông Viraphonh Viravong, trưởng đoàn Lào: “Chúng tôi đánh giá cao tất cả các ý kiến nhưng chúng tôi sẽ xem xét để giải đáp mọi mối quan ngại”. Phía Lào còn đề nghị kết thúc tiến trình tham vấn trước, cho rằng nếu phải nghiên cứu sâu hơn thì thời gian tham vấn sẽ kéo dài hơn 6 tháng và điều này không thể giúp giải đáp tất cả những quan ngại của các bên.
Đại diện Lào cũng cho biết đập Xayaburi sẽ tuân thủ theo hướng dẫn thiết kế của Ban Thư ký MRC và dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời bổ sung các tác động đối với dòng chảy, phù sa, chất lượng nước và thủy sinh vật cũng như độ an toàn của đập chắn sẽ được giảm thiểu đến mức có thể chấp nhận.
Phía Campuchia khẳng định phải có thêm thời gian để thông báo về dự án và để nhà thiết kế có thể đáp ứng các yêu cầu công nghệ; tham vấn giữa các nước thành viên với công chúng. “Vì thời gian để đánh giá về dự án (Xayaburi) quá ngắn, vì thế chúng tôi đề nghị kéo dài tiến trình tham vấn trước” - thông cáo báo chí trích lời đại diện đoàn Campuchia.
Đoàn Thái Lan tỏ ra hoài nghi về tính bền vững của dự án, nhấn mạnh rằng thời gian tham vấn trước chưa đủ và cần được mở rộng. Họ cũng đặc biệt quan tâm đến tác động của dự án đập Xayaburi đối với đời sống của người dân đã bao đời sống bám vào sông Mê Kông, trong khi những đánh giá về tác động mà phía Lào đưa ra còn ít. “Vì thế, chúng tôi muốn ghi nhận thêm ý kiến người dân để xem xét” - ông Jatuporn Buruspat, Vụ trưởng Vụ Tài nguyên Nước của Thái Lan, bày tỏ.
Trình bày quan điểm tại phiên họp, đại diện đoàn Việt Nam bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với những đánh giá chưa đầy đủ liên quan đến các tác động toàn diện, xuyên biên giới mà dự án đập Xayaburi có thể gây ra đối với hạ lưu, nhất là ĐBSCL.
TS Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam, đề nghị hoãn dự án đập Xayaburi và các dự án đập chắn khác dự kiến xây trên dòng chính Mê Kông ít nhất 10 năm. “Việc hoãn thực hiện là cần thiết để các quốc gia ven sông có đủ thời gian thực hiện những nghiên cứu toàn diện, định lượng về tất cả các tác động” - ông Lê Đức Trung nhấn mạnh.
Lào hoãn xây đập?
Trong bản tin phát vào tối 19-4 có tựa đề “Laos defers decision on Mekong Xayaburi dam” (Lào hoãn quyết định xây đập Xayaburi trên sông Mê Kông), BBC News dẫn nguồn tin từ phía Lào, viết: “Lào đã hoãn quyết định xây con đập gây tranh cãi chắn ngang sông Mê Kông bởi sự phản đối của các nước trong lưu vực”. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp của MRC-JC cùng ngày.
Tuy nhiên, chưa có đại diện nào của MRC xác nhận điều trên.
Trước đó, ngày 17-4, nhật báo Bangkok Post (Thái Lan) có bài điều tra cho biết dù tiến trình tham vấn chưa kết thúc nhưng chủ đầu tư dự án đập Xayaburi đã mở đường vào khu vực dự kiến xây đập, đền bù cho các hộ dân phải di dời… Những động thái này bắt đầu cách đây… 5 tháng!
A.Q |
Bình luận (0)