Về trường hợp tiểu bậy trên vỉa hè ở đường Hai Bà Trưng, cơ quan chức năng quận 1 phạt tiền và bắt người tiểu bậy phải dội nước để làm vệ sinh tại hiện trường. Mức phạt cũng mang tính chất cảnh cáo nhằm giáo dục, răn đe là chính. Trong 2 tuần qua, Đội Quản lý trật tự đô thị của quận đã xử lý 34 trường hợp tiểu tiện không đúng nơi quy định; trong đó có 15 trường hợp lập biên bản nhắc nhở, 19 trường hợp bị UBND quận 1 ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt 200.000 đồng/trường hợp.
Còn ở quận Tân Phú, theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin quận, trong năm 2016 quận đã xử lý 135 vụ vi phạm về vệ sinh môi trường với số tiền phạt 128,4 triệu đồng. Riêng tại phường Sơn Kỳ, một doanh nghiệp đã thưởng cho người tố cáo và cùng ngăn chặn hành vi đổ rác trái phép với số tiền 1,5 triệu đồng.
Thông tin và hình ảnh về những việc này được các phương tiện thông tin đại chúng đưa lên cũng góp phần giáo dục nhận thức và có tính cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm. Từ ngày 1-2 cũng là thời điểm Nghị định 155/CP của Chính phủ (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) có hiệu lực, mức phạt với những vi phạm về vệ sinh nơi công cộng tăng gấp 10 lần so với trước. Hành vi tiểu bậy, phóng uế nơi công cộng, chung cư, trung tâm thương mại - dịch vụ bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Lúc cơ quan chức năng thẳng tay với hành vi vi phạm, chắc chắn người bị phạt mức tiền này sẽ thấm thía, không dám tái phạm.
Đa số những người vi phạm lâu nay là người lao động tự do, sinh sống chủ yếu trên đường phố, vỉa hè, quen sinh hoạt kiểu xô bồ. Việc nhiều người biện minh TP có quá ít nhà vệ sinh công cộng chỉ là một cách “đổ thừa hoàn cảnh”. Số khác là dân nhậu, thường “giải quyết nỗi buồn” trên vỉa hè, những góc khuất gần chỗ nhậu. Từ đó tạo nên những hình ảnh phản cảm. Vi phạm lâu nay do thói quen, do không xử phạt nặng nên bị “lờn”, người vi phạm thành ra “trơ”, không còn biết xấu hổ.
Nay phải vào khuôn phép, dân nhậu không thể tiểu bậy trên vỉa hè, góc khuất mà vào nhà vệ sinh của quán. Dân lao động hay người đi đường nên tìm vào nhà vệ sinh công cộng, nếu khu vực chưa có nhà vệ sinh công cộng thì vào quán cà phê nào đó để “xả”, tạo nếp sinh hoạt văn minh khi ra phố. TP HCM cũng nên học tập cách làm của Đà Nẵng khi Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu vận động nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê cho người dân cùng du khách sử dụng miễn phí nhà vệ sinh. Nơi nào trước cổng có logo in dòng chữ “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home” thì khách được vào sử dụng nhà vệ sinh không phải trả tiền.
Chưa thể ngày một ngày hai là dẹp được thói xấu tè bậy, xả rác song nếu làm mạnh tay và công tâm, tình trạng này sẽ giảm. Đồng thời hãy “tuyên chiến” luôn với tập tính ồn ào, mất trật tự nơi công cộng, ý thức giao thông kém, hay chen ngang, không xếp hàng… để đất nước ta ngày càng văn minh và tiến bộ hơn.
Bình luận (0)