TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong khi tham gia các tour lặn biển. Đơn cử là trường hợp ông Tsao Jen Yi (quốc tịch Trung Quốc), ông Daniil Repjev (quốc tịch Nga)...
Khách gì cũng nhận
Trong vai du khách, chúng tôi liên hệ với một người tên Huy ở Công ty Du lịch H.Q (TP Nha Trang). Người này cho biết tour lặn biển có giá 750.000 đồng/người, đi bằng
ca-nô, đi nhiều thì sẽ giảm giá 50.000 đồng/người.
Chúng tôi bày tỏ e ngại mức độ an toàn vì đoàn đông người mà đa số đều lần đầu đi lặn. “Cứ yên tâm, xưa nay chưa có tai nạn gì xảy ra. Nếu chưa lặn lần nào thì mỗi huấn luyện viên (HLV) kèm 1 người, tối đa có thể kèm 2. Con nít 8-10 tuổi còn đi được, anh cứ yên tâm” - ông Huy trấn an. Thực tế, công ty này sau khi nhận khách sẽ bán cho công ty khác được phép dẫn khách đi lặn biển.
Chúng tôi liên lạc với Công ty H.D (TP Nha Trang) - doanh nghiệp chuyên đưa khách đi lặn biển, được báo giá tour lặn ở Hòn Mun (Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang) chỉ 580.000-630.000 đồng/người. Du khách không biết bơi vẫn có thể lặn. Công ty sẽ cử người hướng dẫn cách sử dụng bình hơi, cách lặn.
Chị Nguyễn Phương Uyên, du khách từ TP HCM, cho biết đặt tour đi 4 đảo. Khi chị lên Hòn Mun, hướng dẫn viên (HDV) trong đoàn hỏi ai muốn lặn thì đi, chi phí 500.000 đồng/15 phút. Nhiều người đăng ký lặn và được chở đến một tàu gỗ, chỉ sau khoảng 15 phút hướng dẫn là mang bình hơi xuống biển. Khâu kiểm tra sức khỏe hầu như bỏ qua. Khách nào cũng được lặn. Các HDV không có bảng tên, phù hiệu gì để chứng tỏ có bằng cấp.
Một HLV lặn cho biết khi lặn phải tuyệt đối tuân thủ các quy tắc như: lặn cùng đoàn, không tự ý lặn một mình, bơi chậm và không lặn quá sâu. Đặc biệt, không được uống rượu, bia trước khi lặn. Sau khi lặn, chờ 24 giờ để cơ thể phục hồi trước khi lên máy bay. Chính vì vậy, người lặn phải cân nhắc kỹ nếu thời gian du lịch eo hẹp.
“Những người bị bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh đường hô hấp tuyệt đối không được tham gia các hoạt động lặn và thể thao giải trí trên biển.Thực tế thì công tác rà soát sức khỏe rất khó khăn” - người này cho biết.
Theo ông Đinh Vĩnh Tiền, Phó Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, trong năm 2016, ban đã phát hiện, xử phạt một số trường hợp không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn tổ chức đưa du khách đi tour lặn biển, HDV không có thẻ, không có nhân viên y tế chuyên nghiệp...
Một cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết biết một số công ty du lịch không có chức năng lặn biển nhưng vẫn nhận khách với giá khá cao, sau đó bán lại cho công ty khác hoặc thuê HDV, thậm chí chỉ những người có chứng chỉ được phép lặn một mình để đi tour lặn.
Ông Võ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết ở TP Nha Trang có khoảng 20 đơn vị được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lặn và các môn thể thao giải trí trên biển. Theo quy định, mỗi tour lặn phải có đủ số lượng HLV, HDV, nhân viên y tế, cứu hộ. Du khách có giấy chứng nhận về môn lặn thì cứ 2 khách lặn phải có 1 HLV hoặc 1 HDV kèm, khách chưa có giấy chứng nhận thì cứ 1 người lặn phải có 1 HLV kèm.
Loạn giá cả, quảng cáo
Cái chết thương tâm của du khách nước ngoài cùng một HDV du lịch người Việt Nam khi tham gia trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác Hang Cọp ở xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ngày 23-2 lần nữa chỉ rõ lỗ hổng trong công tác khai thác, quản lý loại hình du lịch mạo hiểm.
Trả lời về sự cố xảy ra tại thác Hang Cọp, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Lâm Đồng, cho rằng do hám lợi, nhiều công ty lữ hành du lịch bất chấp rủi ro và cảnh báo để tổ chức tour “chui”.
Qua khảo sát của phóng viên, nhiều du khách đang tham quan tại TP Đà Lạt nói họ hoài nghi về độ an toàn của các công ty du lịch lữ hành tại đây. Ông Trần Quang Anh, một du khách ở TP HCM, bức xúc: “Các công ty đưa ra những khung giá tour khác nhau theo kiểu “tiền nào của nấy”. Loạn giá cả, loạn quảng cáo, có chỗ tour du lịch trọn gói chỉ 500.000 đồng, có chỗ hơn 1 triệu đồng. Ai dám tham gia, chỉ những người nước ngoài liều lĩnh mới như vậy. Chưa kể, nhiều công ty làm ăn chụp giật, dùng dụng cụ trôi nổi, kém chất lượng, thiếu chuyên nghiệp” - ông ngán ngẩm.
Thời gian qua, Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần mời đơn vị chủ quản khu du lịch thác Hang Cọp là Công ty CP Én Việt Lâm Đồng đến làm việc. Tuy nhiên, hầu như lần nào cũng vắng mặt lãnh đạo công ty, chỉ có bảo vệ đại diện đến làm việc.
Ông Phan Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, băn khoăn: “Từ hôm xảy ra tai nạn chết người đến nay, sở chưa làm việc được với chủ đầu tư. Sở cũng đang chờ làm việc với đơn vị tổ chức tour là Công ty TNHH Giấc Mơ Vàng để lập biên bản vi phạm và đình chỉ hoạt động của công ty này”.
Ngày 25-2, phóng viên Báo Người Lao Động đến chung cư Nguyễn Lương Bằng (TP Đà Lạt) - nơi đơn vị chủ quản khu du lịch thác Hang Cọp (Công ty CP Én Việt Lâm Đồng) đăng ký trụ sở. Tuy nhiên, công ty này đã ngưng hoạt động và chuyển đi nơi khác cách đây nhiều tháng.
Hoạt động theo kiểu bất chấp
Sau khi xảy ra sự cố khiến 3 du khách nước ngoài tử nạn tại khu du lịch thác Datanla (TP Đà Lạt) hồi tháng 2-2016, Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu các đơn vị du lịch phải tuân thủ các quy định của pháp luật khi hoạt động. Tuy nhiên, nhiều công ty lữ hành du lịch nơi đây vẫn thờ ơ. “Chúng tôi không chối bỏ trách nhiệm nhưng họ cứ hoạt động theo kiểu bất chấp như vậy nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn” - bà Nguyễn Thị Nguyên phân trần.
Bình luận (0)