Theo truyền thuyết, Đức Phật cùng thị giả Ananda đến thăm Mandalay (thuộc vùng Mandalay, nơi có thành phố Naypyidaw - thủ đô của Myanmar hiện nay) và đưa ra lời tiên đoán như trên. Vua Mindon (1853-1878) thực hiện lời tiên đoán của Phật, cho xây cất chùa tháp để cúng dường tam bảo và để tỏ lòng sám hối những tội lỗi mắc phải trong thời gian cai trị.
Con đường của lòng thành
Lên đồi Mandalay, du khách phải leo 1.729 tầng cấp (cao 220 m) nhưng bây giờ ngoài những người “muốn tỏ lòng thành” với Phật mới vừa đi bộ vừa niệm Phật để lên đỉnh đồi, chứ phần lớn du khách thì ngồi ô tô (loại 25 chỗ trở lại), vèo một tí là đến. Từ bãi đỗ xe, chúng tôi cũng phải leo mấy chục tầng cấp mới lên được tận đỉnh đồi.
Quãng đường này có nhiều hàng quán bán đồ lưu niệm (đá quý và đồ gỗ). Giống như những chặng đường chúng tôi đã đi qua, chỉ có mấy chục tầng cấp mà bên đường vẫn có vài chum nước lạnh được đậy kỹ dành cho người đi đường giải cơn khát. Trên đỉnh đồi Mandalay, có ngôi chùa thờ 3 xá lợi xương Phật.
Voi trắng ở Myanmar
Gần đỉnh đồi, chúng tôi thấy ngôi tượng Phật vàng đứng, tay chỉ xuống đồi như muốn nói lời tiên đoán của Ngài đã thành hiện thực. Nữ thần Sanda Moke Khit đứng hầu dưới chân Đức Phật. Theo lời sư cô Liên Hiếu, nghiên cứu sinh Trường ĐH Phật giáo Nguyên thủy Quốc tế Myanmar, sau khi thâm nhập giáo lý Phật, nữ thần Sanda Moke Khit phát nguyện hộ trì chánh pháp, cắt cặp vú để chứng tỏ quyết tâm hộ đạo.
Từ đỉnh đồi, chúng tôi ngắm mặt trời chìm dần, chìm dần… Trước mắt, mặt trời thay đổi sắc màu liên tục rồi khuất hẳn để lại một không gian bao la phủ đầy sương khói. Nhiều người mải lo chọn đá quý hay tán chuyện hoặc thành tâm lễ Phật, khi trở ra đều tiếc hùi hụi vì bỏ lỡ mấy tấm ảnh chụp mình với cảnh hoàng hôn nhìn từ đỉnh đồi Mandalay.
Bù lại, nhiều người thích thú với những vòng đá đẹp. Tiến sĩ - Thượng tọa Thích Đồng Bổn, quyền trụ trì chùa Phật học Xá Lợi (TPHCM), thì vui với mấy xâu chuỗi gỗ đàn hương. Tối về, thầy đặt nó giữa lòng bàn tay chà xát một hồi, tận hưởng hương thơm từ xâu chuỗi. Đến một xâu khác chẳng có mùi đặc trưng của đàn hương, ai nấy đều cho rằng thầy đã bị lừa nhưng nhìn kỹ hóa ra đó là xâu chuỗi bằng ngà voi. Âu cũng là duyên cả!
Huyền tích voi trắng
Trên đường ra sân bay Yangon trở về TPHCM, chúng tôi được tham quan nơi nuôi mấy con voi trắng. Nghe thông báo như vậy, tôi háo hức lắm. Hồi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi có tham dự hội khảo khoa học về Phật giáo thời Lý - Trần. Ở hội thảo này, có nhắc tới việc Chiêm Thành triều cống voi trắng cho xứ ta. Trong lịch sử nước nhà, nhiều lần Chiêm Thành tiến cống vàng bạc, hương quý, vật lạ… nhưng vào đời vua Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 15 (1307), sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rất rõ: “Thế tử Chiêm Thành Chế Đa Da sai sứ thần Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng”.
Trong giờ giải lao, anh em bàn về chuyện voi trắng. Voi trắng có phải toàn màu trắng như mấy con voi ở các đền thờ trên suốt chiều dài đất nước? Người thì nói rằng sở dĩ nó có màu trắng là do đột biến gien. Có người cãi, những con chó trắng, mèo trắng, gà trắng, vịt trắng… chẳng lẽ cũng đột biến gien? TS Lê Sơn (Phương Ngọc) ra vẻ “thông thái” hơn, cho biết mọi vật bắt đầu từ màu trắng. Đó là sự khởi đầu, là những thứ đầu tiên nhất và là biểu tượng của sự hồn nhiên, trong sáng, tinh khiết và giản dị. Nói đến màu trắng là nói đến những gì không ô uế. Màu trắng cũng đồng nghĩa với sự hòa giải, hòa bình…
Nhưng vấn đề cốt lõi là voi trắng có phải là voi có da, lông màu trắng như được sơn phết ở các đền thờ, như bộ lông trắng của con chó, con mèo mà ta thường thấy? Ai cũng chịu, vì chưa thấy voi trắng bao giờ. Tôi góp: Chắc nó cũng như trâu trắng thôi. Quê tôi có câu thành ngữ “Trâu trắng mất mùa”.
Sau này giải phóng, chính quyền hỗ trợ sức kéo cho bà con quê tôi, trong số những con trâu chuyển về có một số con bị “bạch tạng”, nghĩa là da hồng, lông trắng. Những thợ cày thích thú vì những con trâu này cày khỏe, còn những lão nông tri điền cho đây là điềm chẳng lành, bởi… trâu trắng mất mùa! Quả nhiên năm đó, lúa đang tròn mình con gái thì bị sương muối. Chính quyền địa phương phải đi vận động những người chủ xe nước (máy bơm hút nước từ dưới sông đưa vào ruộng) lắp đặt máy lại để hút nước rửa mặn cánh đồng song kết quả chẳng là bao.
Năm đó, quê tôi mất mùa. Lúc đó, tôi mới biết thế nào là một hạt gạo cõng chục lát sắn, lát khoai. Và những con trâu trắng ấy cũng không sống được với đồng ruộng quê tôi. Bà con đem trâu xẻ thịt, chính quyền địa phương biết cũng đành làm ngơ. Từ đó đến nay, trâu trắng bị tuyệt giống ở quê tôi. Ai nghe cũng cười. TS Lê Sơn cho biết quê anh cũng có thành ngữ “Trâu trắng mất mùa” nhưng anh chưa hề thấy con trâu trắng.
Suy nghĩ miên man trong tôi chưa dứt thì xe đã dừng lại ở điểm tham quan. Không chờ hướng dẫn viên du lịch mua vé, tôi xăm xăm bước vào với tâm trạng háo hức. Trước mắt tôi, một ngôi nhà được xây dựng rất đẹp, rất Myanmar, bên dưới có 3 con voi được gọi là voi trắng. Thì ra, đây là 3 con voi có da và lông giống như những con trâu trắng ở quê tôi được miền Bắc chi viện bổ sung sức kéo sau ngày giải phóng. Thế là cũng mãn nguyện, bởi trong số bạn bè và nhiều người quen biết, chắc tôi là người đầu tiên nhìn tận mắt không chỉ một mà tới 3 con voi trắng.
Ngày xưa, người Myanmar tin voi trắng là linh vật có phép thần thông, có thể biến mây thành mưa. Hồi thế kỷ XVI, vua Myanmar phát động chiến tranh đánh Thái Lan vì vua Thái không chịu cống nạp voi trắng.
Sư cô Liên Hiếu (Nghiên cứu sinh Trường ĐH Phật giáo Nguyên thủy Quốc tế Myanmar) |
Bình luận (0)