Bogyoke Aung San là chợ lớn nhất ở Yangon. Một số con đường trong chợ cũng bị người ta chiếm dụng ngồi uống trà, tán chuyện. Hàng hóa ở các sạp cũng phong phú nhưng đặc biệt nhất là đá quý. Trong tủ kính, trên quầy, trên mẹt… chất đầy những vòng đá, những chuỗi đá, tượng đá.
Hàng dạt cũng là đá quý!
Cũng cái vòng như thế, cái tượng như thế nhưng khi đã cầm tận tay, nhìn tận mắt mặt hàng đá ở đây rồi thì mới thấy mấy mặt hàng đá mỹ nghệ ở Non Nước (Đà Nẵng) không thể nào sánh nổi. Ấy mới biết đá là đá, ngọc là ngọc, chẳng dễ gì lừa nhau. Loại hàng tuyển thì có hóa đơn, có bảo hành song giá tiền chỉ ghi khoảng 10% giá trị thực để người bán né thuế, người mua dễ qua cửa khẩu. Một xâu chuỗi hạt hàng dạt chừng 5-7 USD thì hàng xịn phải từ 250 USD trở lên, có xâu cả ngàn USD. Một vòng đeo tay hàng dạt, giá khoảng 4 USD - 8 USD, còn hàng xịn thường trên 100 USD, thậm chí có chiếc trên 500 USD. Những tượng tròn, phù điêu, đồ trang trí… dành cho những ngôi nhà sang trọng thì đẹp không tả xiết!
Mấy tiệm bán ngọc lớn ở đây hầu hết là của người Hoa. Anh Lâm Hữu Tài, phụ trách Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Văn Lang TPHCM, giới thiệu mình là du khách từ Đài Bắc qua. Anh và chủ tiệm trò chuyện ra vẻ tâm đắc lắm. Theo chân anh, tôi cũng được uống ké một tách trà nóng thơm lừng. Rồi anh hẹn vài hôm trở lại, được người chủ tiễn ra tận cửa. Tha hương ngộ cố tri chăng? Anh cười: “Tôi “nổ” cho vui. Nhưng được lắm nghen, mình đổi 1 USD được 800 kyats (người Myanmar gọi là chạt), anh ta nói cần tiền chạt để xài thì đến anh ta đổi cao hơn. Anh ta “chơi” luôn đài tệ, chứng tỏ anh ta làm ăn lớn”.
Chuyện về ngọc
Anh cười, nói với tôi: “Ngọc đắt tiền, đeo nó chẳng khác nào mang tiền trong túi lấy gì không can đảm, không tươi tắn và vui nhộn. Lúc nào trong túi tôi cũng có 100 USD và mấy trăm ngàn đồng tiêu vặt, trong thẻ ATM có không dưới chục triệu đồng thì cần gì phải đeo ngọc mới vui”. Đoạn, anh kết luận: “Vàng ngọc quý vì hiếm. Ngày xưa, những bậc vua chúa, giới giàu có mới có điều kiện dùng vàng ngọc. Mấy chậu cành vàng lá ngọc trong cửa tiệm của anh ta chỉ có giá trị quy ra tiền, chứ làm sao đẹp hơn chậu bông hồng ở những cửa hàng hoa. Cái khổ là con người luôn “nhìn lên” nên vàng ngọc trở thành thứ sang trọng. Từ đó, người ta tin mua ngọc là mua sự may mắn và ngọc càng sang đẹp càng may mắn. Bây giờ, cho ông cả gian hàng ngọc của anh ta hoặc vài chục tỉ đồng trong tài khoản, ông chọn cái nào? Chắc chắn, ông chọn tài khoản, bởi hằng tháng cứ nhịp chân lấy tiền lãi tiêu mệt nghỉ”.
Từ chuyện của Mark… Quẩn quanh trong chợ, chúng tôi gặp Mark - một thanh niên người Anh. Tốt nghiệp đại học, Mark gia nhập đội thiện nguyện đến đây dạy tiếng Anh và nghiên cứu thêm tiếng Pali. Anh lựa mấy xâu đá quý (hàng dạt). Anh khen tượng Di Lặc của anh Lâm Hữu Tài đẹp nhưng bị khuyết một ngón tay út. Mark nói khắp chợ này, hầu như ai cũng biết anh vì lúc nào rảnh, anh đều đến tìm hiểu đá quý. Mỗi lần lĩnh sinh hoạt phí, Mark đều ra đây tìm mua một vài xâu đá đeo tay. Tuy là hàng “second hand” song biết lựa thì trong một xâu vòng ấy sẽ có vài ba, thậm chí 4-5 viên đá đẹp. Hè tới, anh sẽ có món quà biếu mẹ: một xâu đá quý tuyệt đẹp. “Chọn vài chục vòng đeo tay, tôi sẽ có một vòng đeo cổ như ý, mà giá chỉ bằng một góc nhỏ so với hàng xịn. Vả lại, hàng “second hand” này đều là hàng thủ công nên rất quý. Mẹ tôi rất thích hàng thủ công” - Mark bộc bạch. Nghe Mark nói, lòng tôi bỗng chùng xuống, nghĩ về mẹ mình và trên đời này không biết bao người có ý nghĩ như người thanh niên của xứ sở sương mù kia. Hạnh phúc thay những người mẹ đã có được những đứa con như Mark. Cuộc đời sẽ vui biết bao khi có nhiều người con quan tâm đến mẹ mình như anh. Và, tôi thấy mắt mình dường như cay cay… |
Kỳ tới: Chuyện kể trên đỉnh Mandalay
Bình luận (0)