Bến đò nhỏ ven sông Lam 7 giờ sáng vắng tanh. Thấy người lạ hỏi đò qua thôn Hồng Lam, từ chiếc thuyền nhỏ dưới sông, lão lái đò nói vọng lên: "Chú thông cảm ngồi chờ thêm một tí, đợi mấy người đi chợ buổi sáng về rồi ta đi".
Lũ lượt rời làng
Nói rồi, ông lão rời đò đi ngược lên bờ sông, ngóng theo con đường từ trung tâm huyện ra. 30 phút chờ đợi, có thêm 2 người trong thôn đi mua hàng về, chúng tôi lên đò. Con đò nhỏ chòng chành rẽ sóng đưa khách sang thôn Hồng Lam.
Thôn vắng, chạy xe máy một vòng quanh thôn chỉ gặp đôi người đi chợ sớm. Bà Hồ Thị Loan (SN 1959) kể nhà có 4 đứa con thì tất cả đều làm ăn và lập gia đình ở Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai. Quanh năm ông bà già sống thui thủi với nhau. "Nghĩ cũng buồn nhưng không trách các con vì ở lại làng, chúng không có cái ăn, đời sẽ khổ" - bà Loan chia sẻ.
Phương tiện duy nhất để người dân thôn Hồng Lam giao lưu, tiếp xúc với cộng đồng là con đò nhỏ
Theo các vị cao niên, thôn Hồng Lam từng mang tên làng Soi Mộc và đã tồn tại trên 400 năm. Trước năm 1978, khi chưa xảy ra trận lũ lịch sử cuốn trôi nhiều nhà dân, thôn là nơi ở của gần 600 hộ dân. Lũ lụt gây thiệt hại, cuộc sống mưu sinh hằng ngày khó khăn, người dân lũ lượt rời làng. Thôn Hồng Lam đông đúc, trù phú ngày xưa giờ tiêu điều, hoang vắng.
Thanh niên ở đây lớn lên độ mười tám đôi mươi là rời làng đi làm ăn xa. Do cuộc sống mưu sinh ở đất khách khó khăn nên nhiều vợ chồng gửi cháu về quê cho ông bà trông coi. Thành ra ở cái làng này, thanh niên thì hiếm còn ông bà già và trẻ con thì nhiều. Hiện cả thôn chỉ còn 180 hộ dân với 502 nhân khẩu. Số dân sẽ còn giảm khi hằng năm lại có thêm nhiều người do cuộc sống khổ cực phải bán nhà, bán đất rời làng.
Chợ ế, trường đóng cửa
Ở biệt lập giữa sông Lam nên việc đi lại của người dân thôn Hồng Lam rất khó khăn. Phương tiện giúp người dân giao lưu, trao đổi với cộng đồng xung quanh chỉ là con đò nhỏ cũ kỹ. Chị Hồ Thị Liên (SN 1977), đang ngồi chờ đò ở bến sông, cho biết đò chỉ chạy đến khoảng 18 giờ là nghỉ. Chờ đò ở đây nhanh thì 30 phút, chậm phải cả giờ là chuyện bình thường. Là dân ở đây thì đi đâu, làm gì cũng phải nghĩ đến việc về kịp để khỏi lỡ đò, nhiều hôm đang ăn phải bỏ dở bữa để chạy ra đi cho kịp đò.
Thôn Hồng Lam có một trường tiểu học 2 tầng khang trang. Ban đầu, trường rất đông học sinh. Theo thời gian, do người dân kéo nhau rời làng nên đến năm 2015 chỉ còn 7 em lớp 1 và lớp 2; năm 2016 chỉ còn 3 em lớp 1. Đến năm học 2017, trường phải ngừng hoạt động vì quá ít học sinh. Hiện con em thôn Hồng Lam muốn đến trường phải đi đò qua sông. Một ngày, người dân cử một người lớn đưa 3 cháu đi, luân phiên nhau để có thời gian làm đồng và bảo đảm an toàn cho các cháu khi qua sông. Trường tiểu học đóng cửa, trường mẫu giáo của thôn cũng không khá hơn, hiện cả trường chỉ có 11 cháu đang theo học.
Cả thôn hơn 500 người nhưng chỉ có một chợ nhỏ với 3 người bán hàng
Cả thôn với hơn 500 khẩu nhưng chỉ có một cái chòi nhỏ nằm bên lề đường với 3 người dân bán hàng hóa, thực phẩm. 9 giờ sáng, chợ nhỏ lèo tèo vài người đi mua thực phẩm. Theo người dân trong thôn, chợ hình thành từ mấy chục năm trước do 2-3 người dựng cái lều nhỏ bán hàng, trông xa nhìn như cái ràn (chuồng) trâu nên bà con gọi là chợ Ràn. Mới đây, xã cho dựng một căn nhà nhỏ cho người dân tiện mua bán.
Bà Đậu Thị Kiêm (SN 1957) đã buôn bán ở đây gần 30 năm. Dân ở đây khổ và nghèo nên bà mua ít thịt, cá từ bên kia sông đem về bán; nhiều hôm bán cả ngày vẫn ế.
Giao thông cách trở, cái nghèo, cái đói khiến thanh niên bỏ làng đi nơi khác lập nghiệp. Vì thế, thôn Hồng Lam nhiều năm trở lại đây rất ít tổ chức đám cưới. Ông Trần Đình Thành (SN 1956) chia sẻ: "Nhà tôi 4 đứa con, lớn lên các cháu đều vào Nam mưu sinh. Đi làm ăn xa nên tổ chức đám cưới trong công ty. Ở đây không riêng gì nhà tôi mà cả làng thời gian gần đây đều như vậy, không ai tổ chức cưới ở quê. Tính ra phải đến vài ba năm mới có một đám cưới tổ chức trong xóm".
Chiều muộn, chúng tôi vội vã ra bến để kịp chuyến đò rời thôn Hồng Lam. Trên chuyến đò cuối cùng trong ngày, một nhóm 3 thanh niên thôn Hồng Lam xách lỉnh kỉnh đồ đạc qua sông để bắt xe vào Bình Dương làm công nhân. Ông Trần Huỳnh, người có thâm niên hơn 10 năm lái đò, thở dài: "Lái đò ở đây cả chục năm rồi, giờ không nhớ nổi bao nhiêu lần chở người dân bỏ làng đi nơi khác làm ăn. Mỗi lần dân đi khỏi làng, lại thấy buồn buồn. Không biết đến bao giờ cuộc sống của người dân xóm bãi bồi hết khổ, người dân không bỏ quê đi nơi khác làm ăn".
Mơ ước một cây cầu
Thôn Hồng Lam chỉ cách trung tâm xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh khoảng hơn 500 m. Thế nhưng, cuộc sống của hơn 500 người dân ở "ốc đảo" nhỏ này lại buồn tẻ, đìu hiu, vắng ngắt. Đã bao năm nay, người dân mơ ước có một cây cầu nhỏ để đi lại.
Theo ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, hiện chính quyền chưa có chủ trương di dời người dân thôn Hồng Lam ra khỏi bãi nổi, dự án làm cầu cũng chưa có.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-6
Kỳ tới: Làng đẻ 3 con còn chê ít
Bình luận (0)