Làng Lương Quán, phường Thủy Biều, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế như một bán đảo với 3 mặt giáp sông Hương. Ngôi làng này chỉ rộng chừng 7,5 ha nhưng là địa danh nổi tiếng về hoa thơm trái ngọt của xứ Huế như thanh trà, cam, quýt, mít, bưởi và những di tích lịch sử có giá trị.
Làng không ăn thịt gà?
Ở Huế, gặp những người trí thức hay các nhà nghiên cứu, khi hỏi về làng Lương Quán, nhiều người nhắc đến câu kệ rằng "Bất thực Lương Quán kê" (không ăn thịt gà làng Lương Quán). Hỏi lý do, người bảo rằng bởi đó là câu kệ của làng cấm người dân không được ăn thịt gà, người nói rằng thịt gà làng này quá dở, không nên ăn.
Theo sử làng, người khai canh của Lương Quán là Đặng Quý, con thứ ba của Đặng Đình Dực, em ruột Quốc công Đặng Tất, chú ruột của Tể tướng Đặng Dung. Khi Đặng Tất bị hãm hại, ông phải mai danh ẩn tích, chọn bãi Lương Quán làm nghề đánh cá. Truyền thuyết kể rằng ông nuôi một con gà có tiếng gáy lạ, vang xa. Mỗi khi cất tiếng gáy, dân làng các vùng lân cận đều tỉnh dậy lo cho ngày mới. Dân làng ghi nhớ công ơn đã không ăn thịt gà trong làng vì cho rằng gà của ông, ăn phải tội. Có lẽ câu kệ "Bất thực Lương Quán kê" cũng xuất phát từ đây.
Phụ nữ làng Dạ Lê, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đảm đang, kinh doanh giỏi
Tìm đến làng Lương Quán, gặp ông Đặng Thiềm, ngay câu đầu tiên, vị trưởng làng đã khẳng định đó chỉ là một câu kệ của người xưa vốn giỏi chữ nghĩa. Rồi ông đọc các câu kệ: "Bất thú Dạ Lê thê/Bất giao Nguyệt Biều hữu/Bất thực Lương Quán kê/Bất ẩm Thạch Hàn thủy". "Ý nói của người xưa rằng không nên lấy vợ làng Dạ Lê, kết bạn người làng Nguyệt Biều, ăn gà Lương Quán, uống nước Thạch Hàn. Lý do vì sao thì mỗi người giải thích một kiểu, truyền đến bây giờ thì chẳng còn ý nghĩa rõ ràng" - ông Thiềm lý giải.
Chuyện không ăn gà của làng Lương Quán, vị trưởng làng kể đã có từ thời mới lập làng, cũng ngót 700 năm. Làng này từ xưa đến nay chỉ sống bằng nghề vườn tược, trồng cây trái đến vụ thu hoạch thì mang đi đổi gạo về ăn chứ không có ruộng lúa. Theo tìm hiểu của ông Thiềm, có lẽ do làng không có ruộng nên người xưa đặt câu kệ đó để chê làng này ít lúa gạo, gà chẳng béo tốt nên ăn không ngon.
Nhưng giờ đây, khi đặt chân đến làng Lương Quán, dưới những tán cây thanh trà râm mát trong những khu vườn rộng thênh thang, đâu đâu cũng thấy đàn gà béo tròn người dân nuôi để phòng khi có việc.
"Đó chẳng qua là chuyện của người xưa, của những người giỏi Hán tự đặt ra để nói đố nhau cho vui. Còn bây giờ, gà Lương Quán cũng như gà chỗ khác, rất béo và thơm ngon, không có mà ăn chứ nói gì đến chuyện không nên ăn gà Lương Quán" - ông Thiềm đúc kết.
Vợ làng Dạ Lê không xấu!
Nằm cách TP Huế chừng 5 km, làng Dạ Lê, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tọa lạc bên tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam. Chợ Hôm Dạ Lê dù ở vùng quê nhưng nhộn nhịp từ sáng tinh sương đến khi hoàng hôn buông xuống. Bước vào cổng chợ, những phụ nữ Dạ Lê chân chất, mộc mạc bán chổi đót, bán lá đun nước uống với chất giọng dịu êm chào hàng.
Xen lẫn trong mớ hỗn độn nơi bán buôn, hình ảnh những người chị, người mẹ Dạ Lê dịu dàng khiến chúng tôi muốn tìm câu trả lời vì sao người xưa lại khuyên con trai không nên lấy vợ Dạ Lê.
Bà Nguyễn Thị Búp, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thủy Phương, quả quyết rằng con gái của Dạ Lê rất ngoan hiền, dịu dàng và lễ phép, còn người vợ của làng này thì đức độ, suốt đời phụng sự chồng con mà không hề kêu ca, oán trách. "Dạ Lê được chia ra 4 tổ dân phố với khoảng 1.000 hộ dân, trong đó có chừng 500 hội viên hội phụ nữ. Tôi là người con Dạ Lê, sống ở làng từ nhỏ đến lớn mà chẳng bao giờ nghe ai phàn nàn về phụ nữ nơi đây trong chuyện làm vợ, làm mẹ. Phải chăng người xưa nói như thế bởi phụ nữ Dạ Lê quá cần cù, lam lũ, có tình nghĩa sâu nặng với gia đình cha mẹ đẻ nên họ sợ lấy làm vợ" - bà Búp thông tin.
Bà Trần Thị Hà (69 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thủy Phương hơn 20 năm) kể thuở mới lớn, bà đã nghe câu "Bất thú Dạ Lê thê" và nhiều người nói rằng không nên lấy vợ Dạ Lê bởi con gái ở đây tính khí dữ dằn. Nghe thế, bà và không ít phụ nữ trong làng cảm thấy tự ái.
"Người ta hay chọc (đùa) nhau như vậy nhưng con gái ở làng thì hoàn toàn khác. Thời chúng tôi, nhiều chị em mới lớn đã theo cách mạng làm giao liên. Nhiều người vợ, người mẹ trong làng ở nhà nuôi con để chồng thoát ly hoạt động. Phụ nữ làng Dạ Lê chỉ dữ với kẻ thù khi bị đàn áp, thống khổ, còn đối với gia đình thì luôn thờ chồng nuôi con, đảm việc nước, giỏi việc nhà" - bà Hà tâm sự.
Trong các cuộc kháng chiến, phụ nữ Dạ Lê nhiều người phải hy sinh bản thân để hoạt động cách mạng. Ở đó có nhiều người vợ dù chồng hy sinh, chết trẻ nhưng ở vậy thờ chồng nuôi con đến trọn đời.
Chứng minh cho câu chuyện này, bà Hà nói rằng bản thân mình cũng đã đủ thuyết phục. Sau giải phóng, bà Hà xây dựng gia đình, người chồng công tác ở một cơ quan cấp huyện, còn bà công tác tại phường Thủy Phương, dù công việc khá bận rộn, lại đông con nhưng lúc nào vợ chồng họ cũng trong ấm ngoài êm. Giỏi thu xếp công việc nên giờ đây, vợ chồng bà đã được xã hội ghi nhận, những đứa con cũng ăn học thành tài.
Nói về đặc tính của người phụ nữ Dạ Lê, bà Hà nói rằng họ thẳng thắn, không thay lòng đổi dạ, gan dạ và trung thành. "Ở làng này hiếm khi xảy ra bạo hành gia đình. Cứ mỗi lần người chồng nổi nóng, xích mích thì người vợ thường tạm lánh, đến khi người chồng bình tĩnh trở lại, họ mới đứng ra giải thích đúng sai. Câu chuyện gái Dạ Lê hung dữ chắc người xưa đặt ra câu kệ để trêu chọc nhau mà thôi" - bà Hà đúc kết.
Kỳ tới: Làng đẻ 3 con còn chê ít
Bình luận (0)