Sau khi các nhà thầu phụ kéo đến “bao vây” công trình xây dựng Bệnh viện Sản- Nhi Sóc Trăng để đòi nợ và định tháo dỡ toàn bộ tài sản trước đó đã bàn giao cho nhà thầu chính là Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (viết tắt là UDIC, trụ sở tại TP Hà Nội), ông Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc UDIC khẳng định rằng từ trước đến nay UDIC không nợ bất kỳ nhà thầu phụ nào. Chẳng qua, đơn vị thi công Bệnh viện Sản- Nhi Sóc Trăng là công ty “con” của UDIC (Công ty Cổ phần đầu tư UDIC) chứ không phải UDIC trực tiếp làm.
Vì thế, ông Quang hướng dẫn chúng tôi liên hệ trực tiếp Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư UDIC là ông Lê Việt Dũng thì sẽ rõ.Chúng tôi đặt câu hỏi UDIC là đơn vị trúng thầu nhưng sau đó giao lại cho công ty “con” của mình thực hiện thì có đúng qui định hay không, ông Quang cho biết việc này đúng qui chế của tổng công ty vì UDIC có khoảng 40 công ty thành viên (!?).
Vì lùm xùm chuyện nợ nần nên Công trình Bệnh viện Sản- Nhi phải kéo dài tiến độ thêm 2 năm
Trao đổi qua điện thoại, ông Dũng cũng bảo rằng không thiếu nợ bất kỳ nhà thầu phụ nào. Về thông tin nhà thầu phụ là Công ty TNHH MTV Xây dựng- Thương mại Trung Hòa (gọi tắt là Công ty Trung Hòa, trụ sở tại TP Cần Thơ) khẳng định Công ty Cổ phần đầu tư UDIC còn đang nợ trên 7 tỉ đồng, ông Dũng lý giải rằng đó là chốt theo hồ sơ nghiệm thu nên nợ bao nhiêu thì ông ký bao nhiêu. Sau đó, công ty của ông đã chuyển cho Công ty Trung Hòa khoảng 2 tỉ đồng. Đến tháng 7-2015, thanh tra của Bộ Xây dựng vào làm việc và kết luận giảm trừ khối lượng mà các nhà thầu phụ đã làm nên số tiền nợ còn lại với Công ty Trung Hòa đã giảm trừ hết.
Biên bản cam kết thanh toán nợ của UDIC và công ty "con" của mình nhưng cả 2 không thực hiện
Ông Đoàn Đình Huấn, Phó Giám đốc Công ty Trung Hòa thừa nhận đã nhận khoảng 2 tỉ đồng; trong đó, 1,2 tỉ đồng nằm trong biên bản đối chiếu công nợ và khoảng 800 triệu đồng là số tiền thanh toán một phần khối lượng dở dang. Vì thế, tính luôn số tiền khối lượng dở dang còn lại thì công ty ông Dũng vẫn còn nợ Công ty Trung Hòa hơn 7 tỉ đồng.
Trước việc UDIC bị các nhà thầu phụ “bao vây” đòi nợ, ông Quách Việt Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng các doanh nghiệp nên ra Hà Nội để làm việc trực tiếp với lãnh đạo UDIC. Bởi lẽ, tỉnh đã ứng tiền cho UDIC cao hơn khối lượng xây dựng chứ không thiếu đồng nào.
Vì bị các đối tác đòi nợ nên các nhà thầu phụ đã kéo đến "bao vây" bệnh viện
Nói về lý do “bao vây” đòi nợ và định tháo dỡ một số thiết bị phục vụ cho công trình Bệnh viện Sản- Nhi Sóc Trăng, ông Huấn lý giải rằng, vào ngày 6-11-2014, ông Nguyễn Mạnh Hường (Phó Tổng Giám đốc UDIC) cùng Công ty Cổ phần đầu tư UDIC và Công ty Trung Hòa đã thống nhất rằng đến tháng 5-2015, tỉ lệ thanh toán không hết giá trị công nợ đã ký kết (trên 7 tỉ đồng) thì cả 2 có trách nhiệm thanh toán hết trước ngày 30-6-2015. Thế nhưng, sau đó UDIC và công ty “con” của mình vẫn im lặng.
Cũng theo ông Huấn, vì bị phía UDIC “cù nhầy” nợ nên cuối tháng 7 vừa qua, một số đối tác cung cấp vật tư, thiết bị cho Công ty Trung Hòa đã làm đơn gửi các ngành chức năng can thiệp để buộc công ty thanh toán các khoản nợ. Vì thế, buộc lòng Công ty Trung Hòa phải “bao vây” công trình này để gây áp lực trả nợ từ phía UDIC để có tiền thanh toán lại cho các đối tác.
Tương tự, các nhà thầu phụ khác cũng cho biết mình bị các đối tác liên tục đòi nợ nên mới kéo đến "níu áo" UDIC.
Nói về tư cách của Công ty Cổ phần đầu tư UDIC, ông Quách Việt Tùng cho biết tỉnh đã nhiều lần cảnh cáo UDIC vì để xảy ra chuyện tiền nong với các nhà thầu phụ. “UDIC nợ tùm lum ở chỗ khác rồi quay qua chiếm dụng tiền của các nhà thầu phụ. Đơn vị này chuẩn bị tham gia đấu thầu các hạng mục khác ở tỉnh nhưng chúng tôi không cho. Không có cách nào “tống cổ” UDIC chứ phải có là chúng tôi làm rồi”- ông Tùng chán ngán.
Bình luận (0)