Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu (ĐB) của từng cơ quan, đơn vị. Một cơ cấu hợp lý sẽ tạo ra chất lượng cho tập thể nhưng khi đã có một cơ cấu hợp lý rồi, làm thế nào để có thể chọn được những người thật sự xứng đáng trong cơ cấu cho QH, HĐND? Do đó, chỉ nên xem cơ cấu mang tính hướng dẫn. Đừng để vì có một cơ cấu đẹp mà làm giảm đi chất lượng của ĐB.
Việc đưa ứng cử viên dự kiến ra lấy ý kiến ở nơi cư trú và nơi làm việc là lần sát hạch đầu tiên đối với các ứng cử viên trước tập thể cử tri thật sự biết rất rõ về mình. Việc này hết sức quan trọng nên cần phải tổ chức nghiêm túc, dân chủ, đúng luật, tránh hời hợt hình thức. Những cử tri đầu tiên này phải phát huy cao nhất, sử dụng thật đầy đủ trách nhiệm quyền công dân của mình.
MTTQ có trách nhiệm rất quan trọng là qua 5 bước tiến hành trong 3 lần hiệp thương phải chọn cho được danh sách những người ra ứng cử ĐBQH.Có ý kiến cho rằng cách làm như vậy “làm mất quyền dân chủ”. Thực tế, bản chất của MTTQ là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Do đó, với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình, không tổ chức nào có thể chính xác hơn MTTQ chịu trách nhiệm chọn đúng người đủ tiêu chuẩn để cho nhân dân tiếp tục lựa chọn.
Đại bộ phận nhân dân (cử tri) không có đủ điều kiện để hiểu cặn kẽ từng ứng cử viên so với các tổ chức mà các ứng viên này hoạt động. Tuy nhiên, MTTQ dù là một tổ chức rộng lớn cũng chưa thể bao quát hết để giới thiệu những người thật sự có đức, có tài và được quần chúng tín nhiệm còn trong nhân dân. Vì thế, luật bầu cử có quy định công dân đủ 21 tuổi trở lên, tự xét mình đủ tiêu chuẩn đều có quyền tự ứng cử. Có điều, đối với người tự ứng cử, phải xóa cho được tâm lý “lót đường”, “quân xanh, quân đỏ”.
Theo Báo Cứu quốc số ra ngày 31-12-1945, trong kỳ QH khóa 1, ở Hà Đông có 14 ĐBQH thì 97 vị ra ứng cử; ở Nam Định có 15 ĐB thì 70 vị ra ứng cử; Hà Nội có 6 ĐB thì 74 vị ứng cử. Có lẽ tổng tuyển cử năm 1946 (lần bầu cử QH đầu tiên) có số ứng cử viên cao nhất so với số ĐB được bầu. Điều này xa lạ với những lần có đơn vị bầu cử bầu tròn (4 bầu 4) hay với số dư 1 hoặc 2 (4 bầu 3 hay 5 bầu 3)… Nếu so sánh tình hình năm 1946 và hiện nay thì không có lý do gì lo ngại. Hãy tin tưởng sự sáng suốt của nhân dân!
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đây là cuộc bầu cử đánh dấu Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Thành công của cuộc bầu cử sẽ góp phần to lớn vào quá trình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đồng thời, thông qua Quốc hội, HĐND để phát huy năng lực trí tuệ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Bình luận (0)