Sáng 23-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, đa số ý kiến tán thành việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em từ 16 lên thành dưới 18 tuổi, phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn một số ĐB băn khoăn về việc tăng độ tuổi vì cho rằng thực tế Hiến pháp 2013 không quy định độ tuổi trẻ em; việc điều chỉnh độ tuổi đến dưới 18 sẽ không thống nhất với các quy định tại Bộ Luật Lao động, Luật Thanh niên, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ Luật Hình sự.
Một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo cung cấp thêm căn cứ làm cơ sở cho việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em, gồm các nghiên cứu khoa học về phát triển tâm sinh lý của trẻ em ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18, các chính sách cho nhóm đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi, hệ thống pháp luật liên quan đến nhóm đối tượng này và cân nhắc về nguồn lực bảo đảm cho việc điều chỉnh.
Cũng tại phiên họp sáng cùng ngày, 84,21% ĐBQH tán thành thông qua Luật Thống kê (sửa đổi). Luật mới có 9 chương với 72 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Luật quy định nhiều hành vi bị cấm trong hoạt động thống kê nhà nước và sử dụng thông tin thống kê, như: không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, cản trở việc cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và từ dữ liệu hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê; can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê; báo cáo, công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác; tiết lộ thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước…
Chiều cùng ngày, với 83% ý kiến tán thành, QH đã thông qua Luật Khí tượng thủy văn. QH cũng tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).
Hôm nay, 24-11, QH trình bày Tờ trình về việc quyết định ngày bầu cử, thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, giới thiệu nhân sự để QH bầu chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Sau đó, các ĐBQH sẽ thảo luận, biểu quyết về các nội dung này.
Bình luận (0)