xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cơ chế riêng để TP HCM bứt phá

Thế Dũng

Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao, trong đó có việc để TP HCM giữ lại phần vượt thu ngân sách tối đa không quá 30% số tăng thu

Tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) vào ngày 20-2, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày dự thảo về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính - ngân sách (TC-NS) đặc thù đối với TP HCM (dự thảo nghị định).

Thưởng 30% tăng thu ngân sách

Sau phần trình bày dự thảo nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải cho rằng việc quy định về một số cơ chế, chính sách TC-NS đặc thù đối với TP HCM là hoàn toàn cần thiết.

Nội dung đáng chú ý của dự thảo nghị định là về mức thưởng vượt thu. Chính phủ đề nghị trong trường hợp tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia trên địa bàn, TP được thưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương năm trước. Tuy nhiên, Ủy ban TC-NS đề nghị bỏ cụm từ “một phần” để thực hiện theo quy định Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) 2015.

Về quy định quỹ dự trữ tài chính TP, Luật NSNN năm 2015 quy định phải trích 50% kết dư ngân sách hằng năm vào quỹ dự trữ tài chính. Chính phủ đề nghị cho phép TP có quyền quyết định mức trích từ nguồn kết dư ngân sách vào quỹ dự trữ tài chính phù hợp với nhu cầu dự trữ tài chính và khả năng cân đối thực tế của ngân sách TP. Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Ủy ban TC-NS tán thành. Theo đó, TP có quyền chủ động quyết định mức trích nhưng phải bảo đảm tối thiểu 30% từ nguồn kết dư ngân sách vào quỹ dự trữ tài chính.

Còn về bội chi ngân sách, Ủy ban TC-NS nhất trí với Chính phủ về các nội dung: ngân sách TP HCM được bội chi; mục đích sử dụng bội chi cho đầu tư phát triển; hạn mức bội chi do QH quyết định hằng năm; nguồn bù đắp bội chi từ vay trong nước và ngoài nước.

Đối với mức dư nợ vay, Chính phủ đề nghị quy định không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trường hợp cần thiết vay để thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng mà mức dư nợ vay của ngân sách TP vượt quá quy định này, Chính phủ sẽ trình QH xem xét, quyết định.

Về huy động vốn đầu tư đối với một số công trình, dự án quan trọng, có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi, kiến thiết thị chính do TP HCM quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Chính phủ đề xuất UBND TP báo cáo Chính phủ trình QH quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TC-NS cho rằng TP HCM là trung tâm kinh tế lớn, phát triển nhanh và năng động, có tiềm năng, thu hút đầu tư và các nguồn vốn, do vậy cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ để tạo thêm kênh huy động nguồn vốn đầu tư. Ngoài việc ưu tiên bố trí vốn ODA, cần ưu tiên hỗ trợ vốn vay ưu đãi và cho phép TP áp dụng hình thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư để bổ sung nguồn lực cho TP HCM.


Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng phát biểu về tạo cơ chế đặc thù cho TP HCM tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 20-2 Ảnh: TTXVN

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng phát biểu về tạo cơ chế đặc thù cho TP HCM tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 20-2 Ảnh: TTXVN

Phải được tự chủ nhiều hơn

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết cả 13 điều của dự thảo nghị định vẫn trong khuôn khổ pháp lý hiện hành, chưa thấy rõ nét về tính đặc thù, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP HCM.

Ông Nguyễn Thành Phong dẫn chứng nội dung dự thảo nghị định chủ yếu quy định các nội dung mang tính phổ biến của Luật NSNN 2015, chỉ điều chỉnh những nội dung của Nghị định 124, Nghị định 61, thậm chí có nội dung còn thắt chặt hơn. Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị: “TP được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách trung ương 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia…” và “TP được thưởng 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương năm trước”.

Về mức dư nợ vay, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng dư nợ này có tính thêm cả vay của nhà nước về cho vay lại. Nếu tính thêm cả các khoản này thì dư nợ vay của TP sẽ sát hoặc vượt mức được phép. Đối với nguồn vốn vay cho các dự án quan trọng phải trình QH, thủ tục không hề đơn giản bởi QH một năm chỉ họp 2 kỳ.

Ông Nguyễn Thành Phong phân tích vấn đề quan trọng nhất là làm rõ tính tự chủ về ngân sách địa phương, cơ chế cho chính quyền địa phương huy động các nguồn tài nguyên ngân sách tự quyết định các khoản chi. “Nhưng với nội dung trong dự thảo thì khi nghị định được ban hành vẫn không có cơ chế nào để khai thác nguồn lực, tăng nguồn thu, chủ động trong chi tiêu, nhất là huy động nội lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng” - ông Nguyễn Thành Phong lo ngại.

Thống nhất với Chủ tịch UBND TP HCM, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Đã là đặc thù thì phải có “bước tiến” ra ngoài khuôn khổ của luật, còn nếu theo luật thì không còn là đặc thù nữa. Tôi đồng ý với đề xuất của TP HCM là được thưởng vượt thu không quá 30% chứ không “thòng” thêm “một phần”. TP HCM thu ngân sách chiếm 1/3 tổng thu cả nước mà được giữ có 18% số tăng thu như hiện hành là không tạo động lực cho TP tăng thu mạnh hơn nữa” - Chủ tịch QH nói.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, nếu không tạo cơ chế đặc thù thì TP không thể bứt phá lên được.

Không phải muốn có “vương quốc riêng”!

Chia sẻ thêm ý kiến về việc quy định các cơ chế TC-NS đặc thù cho TP HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng bày tỏ TP rất mong muốn làm thế nào đóng góp nhiều hơn cho ngân sách. Nên quy định mức thưởng 30% và không phụ thuộc vào cả nước, vì nếu như thế sẽ giống như những năm trước, TP vượt thu nhưng cả nước không cân đối được nên vẫn không được thưởng. “Gọi là thưởng nhưng thực chất chỉ là thưởng trên giấy, không mang tính động viên” - ông Đinh La Thăng nói.

Ông Đinh La Thăng cho biết đang chuẩn bị một đề án là TP HCM không chỉ tăng ngân sách “một con số” mà sẽ tăng trưởng kinh tế “hai con số”. Nhưng muốn vậy phải được chủ động hơn về nhiều mặt, trong đó có tài chính, tổ chức và cả về biên chế. “Không phải TP muốn có “vương quốc riêng” mà mong muốn tự chủ nhiều hơn, làm ra nhiều tiền hơn” - Bí thư Thăng nhấn mạnh. Ngoài ra, Bí thư Đinh La Thăng cũng đề nghị cho phép TP HCM được vay không quá 90% mức dư nợ vay của ngân sách thành phố vì “khả năng trả nợ của TP là có”.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển thống nhất TP HCM được thưởng 30% khi vượt thu ngân sách, còn hỗ trợ có mục tiêu “không quá 70%”; để bảo đảm cho TP phát triển thì mức vay được nâng từ 60% lên 70%.

Chưa thể thống nhất ngay đề xuất dư nợ vay tới 90% mà Bí thư Đinh La Thăng đề xuất, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói: “Trước mắt chỉ tăng lên 70%, khi nào vượt được số này thì sẽ tính toán, bàn cụ thể sau”.

Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Quang Tín:

Được vay không quá 90% là hợp lý

Ở góc độ nguyên tắc tài chính thì bất cứ đơn vị nào dù là doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước, địa phương nếu đang hoạt động có hiệu quả thì việc sử dụng đòn bẩy tài chính (vay nợ) sẽ là tốt.

TP HCM hiện đóng góp khoảng 30% ngân sách của cả nước, không chỉ là đầu tàu kinh tế ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, đóng góp ngân sách của cả nước. Mức đóng góp này cũng cho thấy TP đang thực hiện hiệu quả khâu quản lý ngân sách. Do đó đề nghị xin được vay không vượt quá 90% mức dư nợ vay của ngân sách TP là hợp lý, nhất là trong bối cảnh nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn rất lớn để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM:

Tạo động lực để TP HCM phát triển

Nếu nghị định về một số cơ chế chính sách TC-NS đặc thù đối với TP HCM được thông qua sẽ tạo cơ chế đặc thù về điều hành cho TP HCM.

Hiện nay, người dân ở các tỉnh vào TP HCM học tập, sinh sống rất lớn nên TP HCM không phải chỉ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội cho người dân TP mà còn cho người dân ở các tỉnh khác. Nếu không có cơ chế đặc thù thì việc phát triển hạ tầng giao thông, an sinh xã hội không thể bảo đảm được. Đơn cử, nếu không cho TP vay vốn ODA vượt khung quy định thì sẽ không phát triển được hệ thống hạ tầng giao thông, từ đó sẽ không thu hút được đầu tư, dẫn đến không nuôi được nguồn thu. Nghị định được thông qua là rất cần thiết và là điều mà người dân TP rất mong mỏi. Nghị định này tạo động lực để TP phát triển.

T.Phương-Tr.Hoàng ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo