Lực lượng Kiểm ngư tham gia bảo vệ chủ quyền của nước ta trên vùng biển Hoàng Sa - Ảnh: Văn Duẩn
Sáng 6-6, Quốc hội (QH) nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).
Đáng chú ý, trong lần sửa đổi này, ban soạn thảo đã dành hẳn 1 chương mới với 3 điều để quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm ngư; phối hợp trong hoạt động của lượng Kiểm ngư.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc có lực lượng kiểm ngư với thẩm quyền và trang thiết bị đủ mạnh và có cơ chế phối hợp với các lực lượng khác sẽ góp phần tăng cường sự hiện diện của các lực lượng chức năng Việt Nam trên biển; góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên biển; tương đồng với mô hình tổ chức, hoạt động của lực lượng kiểm soát, bảo vệ pháp luật thuỷ sản trên biển của nhiều nước có vùng biển tiếp giáp hoặc chồng lấn với Việt Nam.
"Qua khảo sát cho thấy lực lượng Kiểm ngư hoạt động trong thời gian qua đã được ngư dân tin tưởng, ủng hộ và sẵn sàng tham gia bám biển khi có lực lượng Kiểm ngư đồng hành"- ông Cường nhấn mạnh.
Hiện ở cấp Trung ương có: Cục Kiểm ngư và 5 Chi cục Kiểm ngư Vùng (Chi cục Kiểm ngư Vùng I, Vùng II, Vùng III, Vùng IV và Vùng V), có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển, tập trung trên vùng biển xa bờ.
Cấp tỉnh có Chi cục thủy sản 28 tỉnh, thành phố ven biển được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản (trong đó có nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển như lực lượng kiểm ngư nhưng trên vùng biển ven bờ). "Các cán bộ này đang làm nhiệm vụ như lực lượng Kiểm ngư, có nhiều rủi ro, môi trường sóng, gió nhưng không được hưởng chế độ, chính sách như kiểm ngư mà chỉ được hưởng chế độ, chính sách như công chức làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trên đất liền"- ông Cường cho biết.
Việc thành lập Kiểm ngư cấp tỉnh sẽ được hình thành trên cơ sở chuyển đội ngũ thanh tra chuyên ngành về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Phòng Thanh tra (Pháp chế, thanh tra) thuộc Chi cục Thủy sản nên không làm xáo trộn về chức năng, nhiệm vụ.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng cho biết các thành viên tham dự họp thẩm tra có 3 loại ý kiến về vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng Kiểm ngư trung ương (có các chi cục tại các vùng - gọi tắt là Kiểm ngư vùng) như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư cấp tỉnh; nhưng có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản, luật hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư trong dự thảo Luật.
Theo ông Dũng, báo cáo tổng kết 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản chưa đánh giá kỹ về hoạt động và hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản cũng như lực lượng kiểm ngư.
"Vì thế, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại chi cục thủy sản của 28 tỉnh sang kiểm ngư là chưa phù hợp mà chỉ cần tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra và có sự phối hợp tốt của Kiểm ngư vùng. Ngoài ra, việc thành lập thêm lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh sẽ không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 39"- ông Phan Xuân Dũng nói.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, cần thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển như dự thảo Luật trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản tại các chi cục thủy sản, bởi vì lực lượng thanh tra chuyên ngành địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ do đang hoạt động theo Luật Thanh tra, không có các công cụ hỗ trợ đi kèm, chưa có các chế tài cưỡng chế như các kiểm ngư viên, không được hưởng chính sách, chế độ khi thực hiện thanh tra trên biển như kiểm ngư viên.
Loại ý kiến thứ ba, đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, tùy vào tính chất đặc thù của từng địa phương mà thành lập thêm Kiểm ngư cấp tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản tại địa phương. Đây sẽ là công cụ mạnh giúp khắc phục tình hình khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản ở địa phương. Chính phủ sẽ căn cứ tính chất, yêu cầu của từng địa phương để quy định thành lập lực lượng kiểm ngư tại một số tỉnh cho phù hợp, như tỉnh có bờ biển dài, có địa hình phức tạp, có lượng tàu thuyền hoạt động lớn
Bình luận (0)