Trưa 19-9, 2 cây long não trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Văn Trỗi đã chết khô, nhiều cây còi cọc. Số ít cây phát triển tốt ở những chỗ mặt bằng thoáng, không nằm trước nhà dân.
Đề xuất trồng cây khác
Cách đây hơn một tháng, tuyến đường này có nhiều vị trí trồng cây bỏ trống do cây chết. Sau đó, Công ty Công viên Cây xanh TP đã trồng lại hàng loạt nhưng những cây này chưa có dấu hiệu sinh trưởng tốt. “Trồng cây kiểu gì mà nhiều năm rồi vẫn còi cọc, trông rất xấu xí và không cho bóng mát” - một chủ nhà trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) nói.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1) phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP xem xét, đánh giá và đưa ra phương án thay thế cây phù hợp trên tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Văn Trỗi.
Nguyên nhân thay thế, theo đại diện Khu 1, là cây long não trên 2 tuyến đường này không hợp khí hậu và thổ nhưỡng, không phát triển sau nhiều năm chăm sóc. Sắp tới, Khu 1 sẽ nêu vấn đề thay thế cây tại một hội thảo về cây xanh đô thị để lấy ý kiến của các nhà khoa học.
Ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP, cho biết trên tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn gần đường Pasteur), trồng cây lim bột phát triển tốt nhưng cây long não thì không như mong muốn do không phù hợp với thổ nhưỡng tuyến đường này.
Hiện công ty chỉ mới đề xuất thay thế còn quyền quyết định thuộc về Sở GTVT TP. Công ty chỉ là đơn vị thi công và vẫn sẽ chăm sóc hàng cây long não trên tuyến đường này bình thường. Theo ông Phương, ở TP có nhiều đơn vị chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh và Công ty Công viên Cây xanh TP chỉ là một trong những đơn vị thực hiện công việc này.
Lãng phí
Về ý tưởng thay thế cây long não trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh Văn phòng Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam, tỏ ra bất ngờ và không hiểu vì sao phải thay cây mới. Theo kỹ sư Kiểm, cây trồng trên vỉa hè không cần phát triển nhanh, chỉ cần không sâu bệnh. Ở TP HCM có thể trồng me, lim xẹt, phượng vì không cần vỉa hè lớn, không có lá rụng về mùa khô, khoảng 50 năm mới phải thay thế.
“Hàng me trên đường Nguyễn Du và Nguyễn Văn Bình, quận 1 rất đẹp, tạo được bóng mát và hài hòa với cảnh quan” - kỹ sư Kiểm dẫn chứng.
Còn KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng quy hoạch cây xanh phải phối hợp với quy hoạch cảnh quan và quy hoạch giao thông để đồng bộ và phục vụ phát triển đô thị. Tùy theo từng con đường mà trồng cây xanh cho phù hợp, có con đường để tạo bóng mát, có đường thì giữ độ ẩm cho đất hoặc tạo cảnh quan.
Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Văn Trỗi là tuyến đường huyết mạch từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm TP nên cần có một quy hoạch về cây xanh cho toàn tuyến chứ không thể làm từng đoạn. Tiêu chí là phải tạo bóng mát trên cao nhưng phía dưới thông thoáng để đi lại dễ dàng, không bị rối mắt và rễ cây không phá đường. Ngoài ra cũng phải chú ý đến cảm nhận người dân khi đi từ sân bay vào TP.
Có thể chia từng đoạn với từng loại cây đặc trưng để tạo dấu ấn, nếu chưa có tiền thì thực hiện theo giai đoạn, đối với những cây sinh trưởng tốt thì không cần đốn hạ mà chỉ cần bảo dưỡng cho nó phát triển tốt. “TP cần có quy hoạch cây xanh và mặt nước chung cho toàn TP, tình trạng ngập úng như hiện nay một phần là do hậu quả của việc thiếu quan tâm đến cây xanh, mặt nước” - KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, phân tích cây long não là loại cổ thụ thích hợp trồng ở đường phố. Tại Hà Nội, giống cây này được trồng và phát triển rất tốt. Tính ưu việt của giống cây này không có sâu bọ, tán rộng tạo bóng mát lớn. Thường xuyên qua lại tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ông Long nhận thấy cây lớn hơi chậm. Tuy nhiên, đây là đặc tính của cây, nếu để lâu, cây sẽ bén rễ lớn to. Do đó, việc thay thế hàng cây là lãng phí và nên giữ lại, để khắc phục chỉ cần bón phân và xới đất ở gốc sẽ giúp cây phát triển.
Trong khi đó, ThS Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó Phòng Dự báo và Phục vụ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho hay lượng mưa và độ ẩm ở TP HCM thích hợp cho cây long não phát triển nhưng nhiệt độ trung bình khiến cây dễ khô và chết. Cụ thể, cây long não phù hợp nhiệt độ trung bình 15-20 độ C còn ở TP nhiệt độ trung bình tháng lên đến 25-29 độ C. “Cây này phát triển rất chậm trên nền đất khô, cây không phát triển là do nhiệt độ cao. Muốn khắc phục chỉ cần tưới thường xuyên là được” - bà Lan cho biết.
Trồng sai cách dễ gây họa mùa mưa
Theo Quyết định 199 năm 2004 về quản lý công viên và cây xanh ở TP HCM, vỉa hè rộng trên 5 m được trồng cây khi trưởng thành có độ cao tối đa 15 m, vỉa hè từ 3-5 m trồng cây khi trưởng thành có độ cao tối đa 12 m. Hiện cây xanh trên nhiều tuyến đường trồng không cùng chủng loại. Đơn cử vỉa hè trên đường Tân Sơn (phía sân golf Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình) rộng khoảng 3 m nhưng trồng cây dầu trong khi phía quận Gò Vấp thì trồng loại cây khác. Đường Phan Văn Trị (đoạn trước siêu thị Emart và dự án của Công ty Địa ốc TP thuộc phường 5, quận Gò Vấp) có vỉa hè nhỏ nhưng cũng trồng cây dầu.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh, cây dầu khi trưởng thành có thể cao hơn 15 m nên vỉa hè nhỏ sẽ không đủ không gian cho cây sinh sống và tiềm ẩn nguy cơ bật gốc khi cây trưởng thành. Nguy hiểm hơn, một số cây xanh trên đường Bờ bao Tân Thắng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú còn bật gốc. Theo người dân, cây xanh ở khu vực này mới trồng được khoảng 3 năm nhưng có bộ rễ khá nông, thỉnh thoảng bị nghiêng nên rất nguy hiểm mỗi khi trời mưa.
Bình luận (0)