ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), hỏi các giải pháp về vấn đề chủ trương kinh doanh vàng và sử dụng vàng của người dân. Quan điểm của thủ tướng về Luật Biểu tình.
ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đặt vấn đề về những sai phạm nghiệm trọng của Vinashin trong thời gian qua. "Đề nghị Thủ tướng cho biết cách xử lý vi phạm và tái cơ cấu Vinashin trong thời gian tới". Đồng ý kiến với ông Minh, ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) cũng đặt vấn đề về cách giải quyết của thủ tướng với những sai phạm lớn của tập đoàn này.
ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) hỏi: Vấn đề biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Vậy chính phủ và thủ tướng có giải pháp nào để giúp người dân "sống chung với lũ" ?
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) hỏi: Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chỉ còn 7 cửa biển, vùng đầu nguồn sạt lở gia tăng, mất đất sản xuất của người dân. Thủ tướng có biện pháp gì để khắc phục?
ĐB Võ Thị Dung (TPHCM): "Cử tri đang bức xúc về khám chữa bệnh quá tải ở các bệnh viện lớn tại TPHCM, Hà Nội. Ngoài ra, việc giáo dục mầm non hiện nay đang quá tải, thiếu trường lớp dẫn đến không có nơi cho phụ huynh gửi con vào học. Thủ tướng có cách gì để giải quyết?"
Trả lời lần lượt từng câu hỏi, về vấn đề giải pháp cho bảo vệ chủ quyền ở biển Đông, Thủ tướng cho biết việc bảo vệ dựa trên các văn bản, công ước quốc tế, các thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển mà chúng ta vừa ký với Trung Quốc... Việc giải quyết theo 4 vấn đề:
- Thứ nhất, đàm phán với Trung Quốc để phân định ranh giới cửa ngoài Vịnh Bắc Bộ. Từ năm 2006, hai bên tiến hành đàm phán, đến 2009 tạm dừng vì lập trường xa nhau. Đầu năm 2010 chúng ta nối lại đàm phán dựa trên các nguyên tắc ứng xử trên biển. Trên cơ sở nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, vùng biển cửa ngoài Vịnh Bắc Bộ, hai nước phải cùng nhau thống nhất giải quyết để có giải pháp hợp lý mà Việt Nam và Trung Quốc chấp nhận được.
Trong khi chưa phân định, trên thực tế, với những chừng mực khác nhau, hai bên cần dùng những quyền quản lý của mình để bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh an toàn cho khai thác nghề cá.
- Thứ hai, giải quyết chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, chúng ta làm chủ từ thế kỷ 17 khi chưa có sự hiện diện của quốc gia nào. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán, đòi hỏi chủ quyền bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp hiến chương Liên Hợp Quốc và các công ước quốc tế.
Về quần đảo Trương Sa, chúng ta tiếp quản từ sau giải phóng, từ 5 đảo lên 31 đảo, xây dựng 15 nhà giàn để khẳng định chủ quyền. Trong quần đảo này, Trung Quốc, Philippines... cũng đang giữ một số đảo. Nhưng Việt Nam là quốc gia có nhiều đảo nhất. Hiện có 21 hộ, 81 nhân khẩu đang ở Trường Sa. Chúng ta yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm về sự ổn định tại khu vực này.
- Thứ ba, chúng ta tiếp tuc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trường học, bệnh xá... ở các nơi thuộc chủ quyền quản lý.
Ngoài ra, chúng ta cũng đã có cơ chế và sẽ sơ kết về chính sách hỗ trợ bà con ngư dân an tâm khai thác, làm ăn sinh sống ở vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta.
Thêm vào đó, theo Công ước về luật biển 1982, trên biển Đông là tuyến đường vận tải chiếm 50 đến 60% tổng lượng hàng hóa vận chuyển từ Đông sang Tây.
- Thứ 4, chúng ta phải giải quyết vấn đề đặc quyền hải lý của chúng ta trong phạm vi 200 hải lý theo công ước về Luật biển.
Tại kỳ họp này, đã có 77 đại biểu Quốc hội gửi 145 phiếu chất vấn với 237 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ; trong đó, có 8 phiếu với 11 câu hỏi chất vấn Thủ tướng. |
Riêng về chủ trương của Chính phủ trong bảo vệ chủ quyền, Thủ tướng cho rằng luôn khuyến khích, biểu dương mọi công dân, tập thể đã có nhiều đóng góp cho bảo vệ chủ quyền. Nhưng đồng thời, cũng không hoan nghênh, buộc xử lý nghiêm các hành vi, hành động, động cơ lợi dụng dưới danh nghĩa lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền để làm phương hại đến đất nước, xã hội.
Về giải quyết tình trạng khai thác khoáng sản, Thủ tướng cho biết vừa qua đã tiến hành điều tra việc khai thác khoáng sản.
Việc khai thác khoáng sản cũng đã có những kết quả, nhưng Chính phủ thừa nhận còn nhiều sai phạm, bất cập và phải nghiêm túc giải quyết. Mục tiêu là phải ngăn chặn cho được khai thác trái phép, gây ô nhiễm, bức xúc ở các địa phương.
Trước mắt là các địa phương phải rà soát các dự án đang khai thác, nếu dự án nào gây ô nhiễm môi trường, hay gây hư hại đường xá, mất an ninh trật tự thì phải dừng khai thác. Việc rà soát đi đôi với bổ sung qui hoạch, phê duyệt quy định để nâng cao chất lượng khai thác. Ngoài ra, tạm dừng cấp giấy phép cho các dự án mới. Việc cấp phép mới khai thác khoáng sản phải căn cứ tính khả thi, về tác động môi trường, hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh trật tự mới cấp phép mới.
Ngoài trả lời theo chất vấn của một số ĐB, do không còn thời gian, Chính phủ xin tạm dừng thời gian trả lời chất vấn và cho biết sẽ trả lời bằng văn bản sau.
Sau phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu mang tính tổng kết sau hơn 2 ngày chất vấn và trả lời chất vấn của các bộ trưởng và thủ tướng.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận quyết tâm của Chính phủ về điều hành kinh tế xã hội, giữ lạm phát ở một con số năm 2012; tăng trưởng kinh tế hợp lý, không để rơi vào trì trệ. Quốc hội cũng ghi nhận quyết tâm của Chính phủ là sẽ nghiên cứu xây dựng đề án tái cấu trúc đồng bộ nền kinh tế, trọng tâm là tái cấu trúc ngân sách công, đầu tư; tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp mà trọng tâm là doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời thực hiện công khai minh bạch về điều hành, đầu tư, tài chính; nâng cao năng lực tài chính của các Ngân hàng thương mại để bảo đảm cho sản xuất kinh doanh. Trong chính sách tài chính, tiền tệ, Chính phủ cam kết điều hành giá theo cơ chế thị trường, đi đôi với chính sách hỗ trợ cho đối tượng chính sách, hộ nghèo...
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đúc kết một số nội dung quan trọng đã được chất vấn và trả lời chất vấn của các bộ trưởng và Thủ tướng:
Ở lĩnh vực giao thông vận tải, qua chất vấn và trả lời thì tình trạng TNGT, ùn tắc giao thông là rất nghiêm trọng và nếu tình trạng còn kéo dài thì đây sẽ là thảm họa cho đất nước, nhà nước và nhân dân cần phải đẩy lùi tệ nạn này. Từ 2012 phải giảm TNGT 5 đến 10%; giảm ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Phải quản lý phương tiện giao thông bảo đảm chất lượng, chế tài xử phạt nghiêm người không chấp hành vi phạm giao thông.
Ở lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, chúng ta quyết tâm tăng đầu tư cho lĩnh vục này; lựa chọn, sắp xếp kế hoạch ưu tiên đầu tư. Năm 2011-2015 tăng gấp đôi mức đâu tư 5 năm 2005-2010 và giai đoạn 2016-2020 tiếp tục tăng gấp đôi giai đoạn liền kế. Phải tạo ra các cánh đồng lớn, sản xuất công nghệ cao, chất lượng cao, bảo đảm hài hòa lợi ích cho người nông dân.
Ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Quốc hội đánh giá chất lượng giáo dục từ hệ mầm non đến đại học chưa đáp ứng yêu cầu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính phủ sẽ xây dựng đề án đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục. Quốc hội sẽ dành một phiên để thảo luận về đề án này, làm rõ các kế hoạch, chiến lược phát triển giáo dục.
Ở lĩnh vực điện: Quốc hội thống nhất với chính phủ xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện theo giá thị trường; đồng thời có chính sách đồng bộ để giải quyết, hỗ trợ một số đối tượng, diện chính sách, người nghèo.
Ở lĩnh vực ngân hàng: Đồng tình chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, từng bước nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu cho thị trường này; đồng thời tái cơ cấu thị trường chứng khoán, trái phiếu để có một tái cơ cấu đồng bộ về cơ cấu tài chính. Phải có biện pháp tích cực để giải quyết các ngân hàng yếu, không gây đổ vỡ thị trường, thiệt hại cho Nhà nước.
* Trước đó, phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng nhấn mạnh: Về các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2012 và 5 năm tiếp theo: Chính phủ đã khẳng định quyết tâm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô khi đề xuất kéo lạm phát xuống mức một con số ngay trong năm 2012, giảm dần trong những năm sau để dừng ở mức 5% - 7% vào năm 2015. Tăng trưởng GDP năm 2012 đạt mức khoảng 6% và phấn đấu tăng lên mức 6,5% khi có điều kiện thuận lợi. Tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 5 năm chỉ đặt ở mức 6,5% - 7%.
Về tình hình KT-XH, Thủ tướng cho biết, trong tháng 10 và 11 tình hình kinh tế, xã hội có những chuyển biến tích cực, tốc độ tăng giá tiêu dùng tiếp tục giảm, tháng 10 là 0,36%, tháng 11 là 0,39%. Thu ngân sách đạt khá, đến ngày 15/11 đạt khoảng 98,5% kế hoạch; xuất khẩu 11 tháng tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp 3 lần chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua; nhập siêu 11 tháng giảm còn 10,2% kim ngạch xuất khẩu; lãi suất có xu hướng giảm…
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo nhiều dự báo, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ nghiêm trọng hơn, có thể đẩy kinh tế khu vực này vào nguy cơ suy thoái, làm cho kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, sản xuất và nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm, giá dầu và giá lương thực có khả năng tăng mạnh. Các nhân tố đó sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.
Thủ tướng cho rằng, tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải phát huy lợi thế và những kết quả đã đạt được, kiên định các giải pháp đã và đang phát huy hiệu quả, đồng thời theo sát tình hình, kịp thời xử lý những khó khăn, thách thức mới nảy sinh, điều hành linh hoạt, sát thực tế; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2011 và chuẩn bị tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2012.
Thủ tướng cũng trình bày thêm về một số nhóm vấn đề: ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại nền kinh tế; nông nghiệp và nông thôn...
Về ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho biết, với những giải pháp điều hành quyết liệt, tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng giảm liên tục trong 6 tháng qua, tính chung 11 tháng tăng 17,5%. Với xu thế này, mục tiêu kiềm chế tăng giá tiêu dùng năm 2011 khoảng 18% là có khả năng thực hiện được. Chính phủ đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với giá điện, xăng dầu, than và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác, Thủ tướng đề nghị Quốc hội ủng hộ chủ trương kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường; đồng thời, có hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách. Chính phủ sẽ xác định lộ trình hợp lý để thực hiện, vừa từng bước tiếp cận giá thị trường, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) đang chất vấn thủ tướng
Khép lại ngày chất vấn 24-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vẫn còn hơn 20 câu chất vấn để trả lời vào sáng nay (25-11).
Một số vấn đề nổi bật như:
- Khả năng xảy ra tình trạng giao dịch vàng chợ đen, độc quyền khi doanh nghiệp kinh doanh vàng chiếm hơn 25% thị phần, vốn lớn… mới được kinh doanh vàng miếng.
- Chất lượng tín dụng hiện nay đang xấu, có khả năng đổ vỡ.
- Vì sao không có không chế lãi suất trần cho vay như lãi suất trần huy động.
- Nợ xấu, quá hạn vốn Nhà nước hiện nay là bao nhiêu, trách nhiệm của những người liên quan.
- Vì sao chỉ cấp quota nhập vàng một cách bị động khi thị trường có biến động. Sắp tới có thay đổi gì không?
Mở đầu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nói rõ hơn về vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được nhiều đại biểu quan tâm. Nguyên nhân đáp ứng yêu cầu mới, giải quyết tồn tại, vướng mắc của hệ thống. Mục tiêu hướng tới là xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nền kinh tế, hòa nhập và có sức cạnh tranh quốc tế.
Về vấn đề lãi suất, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận NHNN có khuyết điểm, yếu kém trong thanh tra, giám sát khi không phát hiện bất cứ sai phạm nào. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ nên áp dụng lãi suất trần huy động. Nếu áp dụng cả lãi suất trần cho vay thì cào bằng, không phân biệt được đối tượng khuyến khích cho vay.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định các ngân hàng không được hưởng lợi trong thời gian qua khi chênh lệch lãi suất huy động và cho vay khoảng 2-4%, phù hợp tình hình trong nước và thông lệ quốc tế.
Việc huy động ngoại tệ lãi suất 2%, cho vay 8% nhằm chống tình trạng đô la hóa. NHNN khuyến khích người có ngoại tệ bán cho ngân hàng, còn doanh nghiệp khi cần ngoại tệ thì mua, không vay.
Về việc kinh doanh vàng miếng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng có nhiều bất cập do trước nay Nhà nước chỉ quản lý khâu xuất nhập khẩu vàng. Thỏi vàng nhập về qua máy dập trở thành hàng hóa để 12.000 cửa hàng kinh doanh mặc sức mua bán. Nghị định quản lý sắp tới chỉ khuyến khích sản xuất, chế tác vàng trang sức, siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh vàng miếng, Nhà nước kinh doanh độc quyền. Nếu có nhóm lợi ích tồn tại là trái lợi ích quốc gia và sẽ không được phép tồn tại.
Về nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình xác nhận cho vay bất động sản chỉ ở mức 3,6%. Trong khoản vay này chỉ có 4,2% nên vẫn trong tầm kiểm soát.
Khi đại biểu Đào Xuân Huy nhắc lại câu hỏi về khả năng độc quyền của SJC khi quy định doanh nghiệp kinh doanh vàng chiếm hơn 25% thị phần, vốn lớn… mới được kinh doanh vàng miếng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng đã bàn với TPHCM về vấn đề này (SJC là công ty của Thành ủy TPHCM). Với việc sử dụng vàng SJC sẽ đáp ứng được 2 yêu cầu: Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng và tiết kiệm chi phí (SJC chiếm 90% thị phần vàng miếng). Khi có điều kiện, NHNN sẽ thay SJC thành SBV (The State Bank of Vietnam – tên tiếng Anh của NHNN Việt Nam) để người dân yên tâm.
Kết thúc phần chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá các câu hỏi chất vấn của đại biểu thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, trách nhiệm cao. Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời cũng rõ ràng, tìm ra được nguyên nhân, đưa ra được giải pháp giải quyết các vấn đề tốt hơn.
Thủ tướng “chốt” phiên chất vấn
Sáng nay, 25-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề sau khi 4 bộ trưởng: GTVT, NN-PTNT, GD - ĐT, Tài chính và Thống đốc NHNN đã trả lời chất vấn trước đó.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH về công tác điều hành, thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2011-2012 và những năm tiếp theo; vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế; thực hiện 3 đột phá (hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng), giảm nghèo...
H.Thành |
Bình luận (0)