Sau sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai), ngày 23-3, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn bắt đầu thay đổi việc chuyển tải hành khách bằng ô tô xuống ga Biên Hòa và ngược lại.
Theo đó, việc trung chuyển hành khách được tổ chức tại ga Sóng Thần thay vì từ ga Sài Gòn như những ngày qua.
Với phương án này, hành khách vẫn đến ga Sài Gòn lên tàu như lịch trình nhưng khi tàu chạy đến ga Sóng Thần, hành khách được chuyển qua các ô tô trung chuyển xuống ga Biên Hòa. Khoảng cách trung chuyển được rút ngắn xuống còn khoảng 15 km so với 30 km từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa.
Hành khách được trung chuyển ô tô về tới ga Sóng Thần rồi tiếp tục lên tàu về ga Sài Gòn
Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã lập thêm các đoàn tàu thoi vận chuyển hành khách từ ga Sài Gòn đến ga Sóng Thần và ngược lại. Ga Sóng Thần là đầu mối phối hợp với Chi nhánh Vận tải đường sắt phía Nam, Sài Gòn, Bình Thuận và Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam để chuyển tải hành khách an toàn, đảm bảo an ninh trật tự.
Đối với hàng hóa, công ty tổ chức nhận hành lý ký gửi ở ga Biên Hòa thay vì từ ga Sài Gòn như trước đây. Đồng thời, tiếp tục tổ chức việc xếp dỡ hàng hóa tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai để giải tỏa ùn ứ.
Ghi nhận sáng 23-3, lượng hành khách đi tàu giảm mạnh khiến số chuyến tàu trong ngày còn rất ít. Tàu giảm chuyến đã khiến hành hành khách không biết được cụ thể giờ tàu chạy nên phải vật vạ chờ đợi hàng giờ tại ga Sài Gòn (TP HCM), ga Dĩ An, ga Biên Hòa (Đồng Nai) mới có thể lên tàu.
Theo nhân viên ga Biên Hòa, hiện nay khâu trung chuyển hành khách từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa gặp nhiều khó khăn. Khách hàng phải vận chuyển hành lý trung chuyển qua nhiều đoạn đường khác nhau. Xe trung chuyển thường đến trễ nên đã đẩy nhiều chuyến tàu bị chậm giờ.
Sáng cùng ngày tại ga Sài Gòn, lượng khách chờ lên tàu cũng rất ít nên hành khách chuyến tàu SE8 phải chuyển sang tàu SE6, tàu SE2 phải chuyển sáng SE4 để được trung chuyển bằng tàu hỏa đến ga Dĩ An (Bình Dương) rồi mới tiếp tục lên xe trung chuyển đi về ga Biên Hòa.
Trong khi đó, ở ga Biên Hòa, tối 22 -3 và sáng 23-3, ở chiều đi hành khách cũng vật vạ chờ tàu để về quê; ở chiều đến, hành khách xuống tàu để về Sài Gòn lại chen chúc rất đông. Hàng trăm hành khách đổ xô vác hành lý chen nhau tìm xe trung chuyển. Ngoài cổng ga Biên hòa, taxi, xe ôm chèo kéo dày đặc khiến việc tìm xe trung chuyển càng khó khăn hơn. Nhiều người già, phụ nữ có con nhỏ không thể lên xe trung chuyển buộc phải đi taxi, xe ôm hoặc gọi người thân tới chở về.
Trục vớt cầu Ghềnh mất 12 tỉ đồng
Đó là mức kinh phí mà một công ty chuyên trục vớt đưa ra. Nếu hợp đồng được ký kết, công ty này sẽ sử dụng 2 cần cẩu loại 150 tấn để trục vớt cầu Ghềnh lên.
Trong cuộc hợp khẩn của Bộ GTVT tại tỉnh Đồng Nai, 3 phương án khắc phục cầu Ghềnh cũng được đề xuất:
Phương án 1 sẽ khôi phục 110 m đoạn cầu bị sập. Để thực hiện phương án này phụ thuộc vào kiểm định trụ T2 và T3, tuy nhiên phải hơn 20 ngày mới có kết quả.
Phương án 2 là thay mới cả 3 nhịp, không phải gia cố các trụ mà chỉ tăng cường mố cầu. Nếu chọn phương án này thì triển khai ngay sản xuất thép trong vòng 2 đến 3 tháng sẽ xong, đồng thời làm mới 2 mố trụ bằng bê tông cốt thép.
Phương án 3 là khôi phục nguyên trạng, có cải tạo.
Các chuyến tàu chạy mỗi ngày "co" lại vì vắng khách. Tại ga Sài Gòn các chuyến tàu trung chuyển trong ngày cũng giảm mạnh.
Hai cha con mệt mỏi vì đợi tàu trung chuyển quá lâu.
Hành khách vật vạ chờ trước cửa ra vào ga Sài Gòn để lên tàu trung chuyển.
Khách đi tàu trung chuyển từ ga Sài Gòn qua ga Dĩ An cũng vắng vẻ.
Tàu giảm nên các công nhân tranh thủ thời gian bảo trì, thay mới các bộ phận của đường ray trong ga Biên Hòa
Tranh thủ xả nước dọn dẹp, bảo trì ga tàu để đảm bảo an toàn.
Trong ga Biên Hòa vắng hành khách nhưng tất cả đều vật vạ nằm ngồi la liệt vì chờ đợi tàu quá lâu.
Phòng bán vé ở ga Biên Hòa chỉ lèo tèo vài khách hỏi mua
Hai hành khách này tranh thủ ăn lót dạ vì đã đợi tàu từ trưa cho đến gần 20 giờ tối
Đông đảo khách xuống ga Biên Hòa để về Sài Gòn lại hết sức mệt mỏi vì phải mang hành lý nặng chen chúc qua đội ngũ taxi, xe ôm dày đặc để tìm lên xe trung chuyển.
Bà cháu ngơ ngác, mệt mỏi tìm xe trung chuyển để về Sài Gòn.
Mệt nhọc tay xách, nách mang hành lý chen nhau đi tìm xe trung chuyển.
Những người mang theo nhiều hành lý thì càng mệt mỏi hơn
Một bà cụ hốt hoảng chạy đi tìm xe trung chuyển vì chậm chân là các xe trung chuyển kín người.
Bình luận (0)