Theo Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67 - Bộ Công an), công an các địa phương đang tập huấn về xử phạt vi phạm giao thông được quy định trong Thông tư 11 của Bộ Công an, có hiệu lực từ ngày 15-4. Mặc dù khi tuần tra, kiểm soát trên đường, lực lượng CSGT sẽ không dừng xe kiểm tra, xử phạt lỗi “không sang tên đổi chủ phương tiện” nhưng thông qua quá trình đăng ký, cấp lại biển số, làm thủ tục đối với xe bị tạm giữ, gây tai nạn giao thông… thì lỗi này sẽ bị xem xét.
Một trang mạng rao dịch vụ đăng ký sang tên đổi chủ xe máy, ô tô
Ảnh: NGUYỄN NAM
Muốn nhanh, nhờ cò!
Có thể dễ dàng tìm được những đoạn tin thông báo dịch vụ sang tên đổi chủ phương tiện trên rất nhiều trang mạng như muaban, raovat… Chỗ nào cũng cam kết mọi giấy tờ, trình tự thủ tục làm giấy tờ xe chính chủ được tiến hành hợp pháp. Ở Hà Nội, chủ của những thông báo đó đa phần là dân buôn bán xe máy chuyên nghiệp ở chợ xe máy phố Chùa Hà (quận Cầu Giấy), phố Huế (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên)…
Tìm đến một địa chỉ trên phố Chùa Hà, chúng tôi bất ngờ bởi đây là địa chỉ của trung tâm hợp tác và hỗ trợ tuyển sinh. Theo lời của nhân viên tên Hoàn, trung tâm không từ chối trường hợp nào bởi có đội ngũ nhân viên làm việc chuyên nghiệp. “Tất cả những trường hợp còn giấy tờ hoặc mất, chúng em đều làm được và có cam kết đàng hoàng” - Hoàn nói.
Sau khi nghe chúng tôi nói về chiếc xe Honda Wave S trị giá 12 triệu đồng đã mất hết giấy tờ, Hoàn yêu cầu cung cấp thông tin về loại xe, giá xe khi mua, thông tin về chủ cũ rồi chốt phí dịch vụ từ 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, Hoàn nói tùy theo những phát sinh trong quá trình làm thủ tục, khách hàng có thể phải trả thêm tiền và phải đặt cọc 1/2 giá dịch vụ.
Thắc mắc về mức giá quá cao so với quảng cáo, Hoàn giải thích: “Mất giấy tờ như vậy thì mức giá đó là ưu đãi lắm rồi”. Hoàn bảo chúng tôi đọc báo để biết về quyết tâm xử phạt của CSGT kể từ ngày 15-4. Xe máy 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng thì đâu có rẻ, rồi còn bị bắt đi làm thủ tục “chính chủ” cho phương tiện.
Gặp chúng tôi tại một cửa hàng bán xe máy cũ trên phố Chùa Hà, anh Nguyễn Tuấn Anh (quận Cầu Giấy) cho biết: “Mất tầm 3 - 5 triệu đồng nhưng ở đây họ có mối nên làm nhanh lắm. Tôi ngại đến cơ quan Nhà nước làm vì rườm rà và lâu hơn”. Tuấn Anh cho biết đã giới thiệu nhiều người bạn sử dụng xe “không chính chủ” đi làm dịch vụ cho đỡ phải gặp rắc rối.
Lách luật
Giấy tờ mà các dịch vụ này yêu cầu cung cấp cũng rất đơn giản. Với xe đủ giấy tờ, chỉ cần bản sao CMND của chủ mới, bản sao hộ khẩu, đăng ký xe và ảnh khách hàng cạnh biển số xe. Các “cò” sẽ dò tìm chủ cũ và tìm cách để chủ cũ đó viết giấy sang tên phương tiện rồi đến cơ quan chức năng làm thủ tục. Tùy thuộc vào loại xe và điều kiện tìm kiếm xa hay gần, phức tạp hay đơn giản mà giá dịch vụ khác nhau.
Xe máy thì khoảng từ 2-7 triệu đồng, ô tô có thể 10-30 triệu đồng. Với xe không đủ giấy tờ hoặc mất hết giấy tờ, các trung tâm “cò” vẫn nhận làm và khách chỉ cần cung cấp số khung xe và số máy. Đa phần các “cò” chỉ nhận các hợp đồng “chính chủ” xe đeo biển số Hà Nội (BKS 29…, 30, 31, 33), một số nơi nhận yêu cầu ở các tỉnh lân cận nhưng với mức phí cao hơn.
Các quy định liên quan đến xử phạt “xe không chính chủ” không chỉ khiến người dân hoang mang mà ngay cả các cơ sở bán nhiều xe máy cũ cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Để duy trì hoạt động, rất nhiều hình thức khuyến mãi được các cơ sở này tung ra, như khuyến mãi 1/2 giá đăng ký “xe chính chủ” hoặc viết giấy bán xe không ghi thời hạn.
Các “cò” sẽ photocopy CMND của người đứng tên đăng ký xe, chuyển lại cho người mua, sau đó kèm theo giấy tờ mua bán không đề ngày tháng giao dịch để nếu người sử dụng gặp CSGT thì có cớ thoát xử phạt. Đây là cách lách luật mà các cơ sở sử dụng và theo nhiều “cò” là tương đối có hiệu quả.
Mất tiền oan
Không ít trường hợp đã mất tiền oan cho các “cò” đăng ký chính chủ phương tiện. Chị Nguyễn Thị Tuyết (quận Thanh Xuân) cho biết trước đây có nhờ người quen mua hộ chiếc xe Yamaha Sirius ở huyện Đông Anh nhưng chỉ có giấy tờ viết tay và làm mất rồi nên giờ phải nhờ dịch vụ trên phố Huế tìm chủ cũ xin xác nhận lại. Dù đã đặt cọc hơn 1 triệu đồng nhưng “cò” cứ lần lữa mãi với đủ lý do. “Cuối cùng, họ bảo không tìm được nhưng cũng không trả tiền đặt cọc với lý do phải thanh toán tiền “phí tìm người” - chị Tuyết nói.
Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Công an, cho biết các thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện đã hết sức đơn giản và tạo điều kiện cho xe mua bán qua nhiều đời chủ. Người dân không nên sử dụng dịch vụ của “cò”, tốn kém tiền của mà nên tới các địa điểm đăng ký xe để được cán bộ hướng dẫn, khai báo và sau một thời gian xác minh sẽ được cấp giấy tờ chính chủ. Nếu trong quá trình xác minh phát hiện xe đã bị kẻ gian ăn cắp trong quá khứ thì sẽ thu giữ để điều tra.
Kiến nghị hoãn xử phạt
Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị hoãn xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện từ ngày 15-4 theo Thông tư 11. Theo đó, hiệp hội cho rằng tình trạng xe không chính chủ nhiều như hiện nay xuất phát từ cách quản lý quan liêu trong quá khứ của cơ quan chức năng nên cần phải có thời gian để tuyên truyền rộng rãi, tạo điều kiện cho người dân tự giác chấp hành quy định để không bị xử phạt.
Trong khi đó, theo dự thảo lần ba Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ và đường sắt được Bộ GTVT đưa lấy ý kiến các ban ngành, người dân vào ngày 26-3, nội dung phạt chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã được bãi bỏ. Sau khi lấy ý kiến người dân từ thực tiễn triển khai Nghị định 71, Bộ GTVT thấy rằng không nên xử phạt hành vi này vì tính khả thi của quy định chưa cao, chưa nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân. |
Bình luận (0)