xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Coi chừng “ngộp thở” với ô tô con

GIA MINH

TP HCM có nguy cơ đối mặt với ùn tắc giao thông trầm trọng nếu không siết chặt quản lý ô tô con hoạt động theo hợp đồng điện tử

Tại hội nghị sơ kết 9 tháng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức tại TP HCM mới đây, đại diện Sở GTVT nhiều địa phương nhìn nhận loại hình này đã có hiệu quả tích cực khi hạn chế số lượng xe chạy rỗng, dừng - đậu trên đường và tạo điều kiện thuận lợi cho người đi. Tuy nhiên, với riêng TP HCM và Hà Nội, nếu không kiểm soát chặt các phương tiện hoạt động sai quy định và hạn chế số lượng xe thí điểm, ùn tắc giao thông sẽ nghiêm trọng hơn.

Uber vẫn ngoài vòng quản lý

Hiện tại, 3 ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (dùng điện thoại thông minh để đặt xe) được thực hiện thí điểm là ứng dụng của Công ty TNHH GrabTaxi (đề án thí điểm GrabCar); Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (đề án thí điểm V-Car) và Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (đề án thí điểm Thanh Cong Car).

Bộ GTVT đánh giá sau 9 tháng thí điểm triển khai ứng dụng nói trên trong hoạt động vận tải hành khách, Sở GTVT các địa phương đang thực hiện có thể nắm số lượng đơn vị vận tải, số phương tiện (theo quy định và mẫu báo cáo định kỳ gửi về Sở GTVT); bảo đảm các điều kiện đối với phương tiện như xe dưới 9 chỗ ngồi có lắp thiết bị giám sát hành trình, xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng… Đồng thời, việc thanh toán của hành khách cũng thuận lợi hơn khi được công khai các thông tin về hành trình, chi phí chuyến đi...

Ô tô dưới 9 chỗ xếp hàng dài trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Ô tô dưới 9 chỗ xếp hàng dài trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM Ảnh: Hoàng Triều

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho biết riêng trường hợp của Công ty Uber B.V.Hà Lan (Công ty Uber) vẫn nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan nhà nước. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, các đơn vị đã nhiều lần làm việc và hướng dẫn Công ty Uber xây dựng đề án gửi Bộ GTVT xem xét cho hoạt động thí điểm theo quy định nhưng hiện chưa nhận được phản hồi từ phía công ty này. Vì vậy, Bộ GTVT không có cơ sở pháp lý để kiểm tra và bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách đối với các dịch vụ vận tải được cung cấp qua sàn giao dịch thương mại điện tử của Uber. Lý do là theo quy định hiện hành, những phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách chỉ áp dụng với các website, ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam (hiện diện thương mại hoặc đăng ký tên miền Việt Nam). Còn đối với các phần mềm kết nối được cung cấp xuyên biên giới như trường hợp của Công ty Uber thì chưa có quy định điều chỉnh.

Bộ GTVT thừa nhận hiện còn một số hộ kinh doanh, đơn vị vận tải không chấp hành các quy định như không có phù hiệu xe hợp đồng; ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp quy định; không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước… Đồng thời, trong việc quản lý các website, ứng dụng di động cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực vận tải còn một số bất cập, dẫn đến tình trạng hoạt động cung cấp phần mềm điều hành hoạt động vận tải nhưng không đăng ký và không thực hiện theo quy định gây rối loạn thị trường và tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Khó kiểm soát

Tại hội nghị trên, đại diện Sở GTVT nhiều địa phương cho rằng cần hạn chế số đơn vị đăng ký và số lượng xe thí điểm loại hình vận tải trên nhằm tránh gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản luật, có quy định kiểm soát chặt các phương tiện hoạt động theo loại hình này, đặc biệt là các đơn vị chưa đăng ký hoạt động theo quy định.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia giao thông, do giá cước thấp hơn taxi truyền thống nên nhu cầu người dân chọn các phương tiện có sử dụng phần mềm để đi lại tăng cao, dẫn đến việc cá nhân đầu tư phương tiện tham gia kinh doanh loại hình vận tải này cũng tăng. Từ đó, nguy cơ về ùn tắc giao thông là rất lớn.

Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết hiện 2 đơn vị đang thực hiện thí điểm loại hình nói trên tại TP HCM là Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty CP Ánh Dương Việt Nam. Các đơn vị này đã có báo cáo đầy đủ về đề án, số lượng xe, xe có phù hiệu hợp đồng... Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có tình trạng chủ xe sử dụng cùng lúc cả 2 phần mềm của Grab và Uber, cũng như lượng phương tiện từ các địa phương khác đến TP HCM hoạt động ngày càng nhiều nên khó khăn trong việc quản lý. Ông Minh cho biết để xử phạt các trường hợp vi phạm cần có sự phối hợp của hành khách trên xe nhưng đa số lại thoái thác, không chịu hợp tác với lực lượng chức năng bởi nhiều lý do khác nhau; tài xế đối phó bằng cách trình bày đây là xe chở gia đình, bạn bè…

Theo trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, đơn vị này chưa nắm chính xác số lượng phương tiện đang hoạt động theo loại hình nói trên tại TP. Tuy nhiên, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2016, thống kê số lượng ô tô dưới 9 chỗ đăng ký trên địa bàn là khoảng 60.000 chiếc (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó có phần của phương tiện tham gia kinh doanh theo loại hình vận tải nói trên. Ông Phong nhìn nhận vấn đề này đã tạo áp lực rất lớn cho hệ thống giao thông TP khi trước đây, mật độ phương tiện lưu thông dày đặc trên các tuyến đường vào cao điểm sáng chỉ từ 6 giờ đến 8 giờ nhưng hiện kéo dài đến 12 giờ; còn buổi tối cũng lên đến 22 giờ. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử phạt phương tiện tham gia kinh doanh theo loại hình trên sai quy định hiện cũng gặp khó khăn nên nhất thiết phải có hình thức nhận biết để phân biệt với xe thông thường. “Grab đã có phù hiệu và các thông tin cụ thể, còn nhiều phương tiện sử dụng phần mềm khác thì rất khó nhận biết nên việc xử phạt không dễ” - ông Phong nói.

Xử phạt 263 trường hợp

Theo ông Lê Hoàng Minh, từ đầu năm 2016 đến nay, Thanh tra Sở GTVT TP HCM đã thanh tra đối tượng là xe hợp đồng dưới 9 chỗ, xử phạt 263 trường hợp vi phạm với số tiền gần 900 triệu đồng. Những trường hợp này chủ yếu vi phạm trong việc không đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh vận tải; không có danh sách, hợp đồng vận chuyển theo yêu cầu…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo