Đôi vợ chồng nghèo mưu sinh bên bốt điện đã phải trả giá quá đắt sau vụ nổ bốt điện ở quận Hà Đông, Hà Nội hôm 17-11 khi chồng tử vong, vợ bỏng nặng. Và mới đây, tại TP HCM, vụ tai nạn giữa xe máy và xe lôi tự chế cũng đã khiến 2 người trên xe máy thương vong. Những vụ việc thương tâm như trên xảy ra ngày càng nhiều nhưng xem ra việc xử lý vi phạm lại… không xuể (!?).
Xe nát “bay” đầy đường
Tại TP HCM, những chiếc xe cũ nát không biển số, không còi, không đèn và các xe chở hàng cồng kềnh... sau thời gian tạm lắng (vì cơ quan chức năng ra quân xử lý) nay lại chạy rầm rập trên đường, chực chờ gây họa.
Trưa 18-12, trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), một thanh niên không đội mũ bảo hiểm cầm lái chiếc xe máy cũ nát, chỉ còn trơ khung sắt nhưng vẫn chở 3 bao tải đá lạnh phía sau lưu thông với tốc độ cao theo hướng về đường Nguyễn Oanh. Chiếc xe lao vun vút cùng những tiếng nẹt pô inh ỏi khiến nhiều phương tiện khác phải né dạt qua hai bên đường như tránh xe ưu tiên. “Những bao tải đá lạnh phía sau không được ràng buộc mà chỉ kê kích tạm bằng vài thanh gỗ nhưng người thanh niên trên vẫn cho xe chạy bạt mạng, luồn lách qua hàng loạt phương tiện phía trước. Va chạm thì chắc chắn xảy ra thảm kịch” - chị Thủy, một người dân sống ở đường Nguyễn Oanh, nói.
Đi quá lên Quốc lộ 1 (đoạn gần ngã tư An Sương, quận 12), chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến một chiếc xe ba gác chở gần 10 cuộn tôn nhưng chỉ bó trần và không hề che chắn phần cạnh sắc. Theo quan sát, những cuộn tôn lòi hẳn ra ngoài nhưng tài xế vẫn phóng xe bạt mạng, lách các phương tiện khác để di chuyển suốt quãng đường từ ngã tư An Sương đến gần vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) trước khi rẽ vào một con hẻm. “So sánh với nhiều xe khác mà tôi chứng kiến chở những bó tôn dài hơn chục mét, không hề che chắn gì thì đây chỉ là chuyện bình thường ở đoạn đường này” - chị Nguyễn Hoài Hoa, một tiểu thương ở quận 12, cho biết.
Theo chị Hoa, tình trạng xe máy cũ nát, xe lôi tự chế chở hàng cồng kềnh diễn ra lâu nay và có giảm đôi chút sau mỗi đợt lực lượng CSGT ra quân xử phạt nhưng chỉ một thời gian ngắn thì mọi chuyện lại đâu vào đó. Chị Hoa dẫn chứng tại khu vực quận 5 - nơi chị thường xuyên qua lại - đoạn gần chợ Kim Biên, Bình Tây…, tình trạng “xe mù”, xe tự chế còn hoành hành nghiêm trọng hơn. Đáng nói, rất nhiều xe “mù” được sử dụng để chở các loại hàng hóa như gas, axít... nên nếu xảy ra sự cố, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Chị Hoa kể cách đây gần nửa năm, một người đàn ông chạy xe máy cũ nát chở nhiều can axít bị ngã khiến axít văng ra ngoài làm 4 người bị thương ở chợ Kim Biên.
Vì tiền sẵn sàng “ôm” bốt điện
Vụ nổ bốt điện (trạm biến áp) ở Hà Nội cho thấy có những cái chết đã được báo trước nhưng hiện vẫn chưa thể ngăn chặn. Tại TP HCM, khắp các tuyến đường có hàng ngàn bốt điện đang bị chiếm dụng. Dù ở các bốt điện đã có những biển cảnh báo nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn bất chấp.
Chiều 19-12, ghi nhận trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1), sát bên hàng chục bốt điện đặt ở vỉa hè là những gánh hàng rong và quán ăn lớn nhỏ. Người phụ nữ có quầy hàng bán lâu năm gần giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai (phường Bến Thành, quận 1), vẫn thản nhiên ngủ trên chiếc ghế bành khi kế bên là trụ điện chằng chịt dây lòng thòng cùng một bốt điện lớn. Người phụ nữ này cũng như hàng trăm người khác dường như chưa lường trước được hiểm họa từ những “quả bom” này.
Ghi nhận ở hàng loạt tuyến đường khác trên địa bàn TP, những bốt điện còn là nơi để người dân sử dụng treo đồ buôn bán, tập kết hàng hóa hoặc dán tờ rơi, bảng quảng cáo... Thậm chí, ở các tuyến đường như Trần Phú, Nguyễn Tri Phương (quận 5); Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận)..., nhiều bốt điện còn nằm lọt thỏm trong các hàng quán luôn đông đúc người ra vào.
Có người biết nguy hiểm, có người không nhưng hầu hết đều chấp nhận. “Nghe thông tin trên báo đài có nhiều vụ chập điện gây cháy nổ làm chết người, tui cũng sợ lắm. Thế nhưng cũng phải làm liều vì chẳng thể tìm nơi khác” - bà Hằng, bán hàng trên vỉa hè kề bên bốt điện trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 5), than thở.
Biết nhưng làm… không xuể (!?)
Theo đại úy Huỳnh Công Thắng, Phó Đội trưởng Đội CSGT Chợ Lớn thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM, trên địa bàn đơn vị này quản lý, hiện tình trạng xe thô sơ, “xe mù” hoạt động vẫn khá phức tạp do có nhiều chợ và địa điểm kinh doanh vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, đại úy Thắng cho rằng việc kiểm tra, xử phạt gặp nhiều khó khăn do nếu xảy ra tai nạn giao thông có liên quan đến “xe mù”, nhiều người sẵn sàng bỏ xe nên rất khó xác định thông tin chủ xe do phần lớn “xe mù” đều không có giấy tờ.
Theo PC67, trong 11 tháng đầu năm 2016, đơn vị này đã tiến hành nhiều lần ra quân chấn chỉnh tình trạng “xe mù”, xe tự chế..., lập biên bản xử lý gần 8.000 trường hợp xe không bảo đảm an toàn kỹ thuật. Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng Phòng PC67, cho biết công tác kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ - đường sắt luôn được PC67 xác định là một trong những chuyên đề công tác trọng tâm, được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên... Tuy nhiên, do các xe này rất dễ mua với giá thấp khi được chế lại, thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa nên nhiều người sẵn sàng mua phương tiện khác thay thế nếu bị lực lượng chức năng thu giữ. Điều này đẫn đến việc chưa thể xử lý triệt để tình trạng trên.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM, cho biết ngành điện đã thực hiện đề án ngầm hóa lưới điện TP HCM, trong đó sử dụng trạm biến áp hợp bộ (compact), trạm một cột. Các trạm này đã được đưa vào vận hành khá nhiều tại các khu vực như quận 1, quận 3, quận 2, quận Bình Thạnh, Tân Bình... Đây là trạm kiểu kín (thiết bị bảo vệ được che kín, vỏ tủ kim loại được nối đất) vừa giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến các công trình dân dụng xung quanh vừa tăng cường khả năng bảo đảm an toàn điện, phòng chống cháy nổ. Mặc dù vậy, công trình điện vẫn là dạng công trình xây dựng cần được bảo vệ để tránh các hành vi xâm phạm như lấn chiếm, che chắn quanh trạm để buôn bán, sinh hoạt, sửa xe,... có thể gây ra hư hỏng và ảnh hưởng đến tình trạng vận hành. Để tránh tình trạng này, ngành điện đã lắp đặt biển cảnh báo an toàn “Cấm lại gần! Có điện nguy hiểm chết người” nhằm bảo đảm an toàn chống xâm phạm, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng cho người dân khi xảy ra sự cố bất khả kháng.
Cũng theo ông Bảo, dù ngành điện đã dùng mọi biện pháp nhưng tình trạng người dân lấn chiếm, xâm phạm quanh trạm như buôn bán, sinh hoạt, giăng mắc lều, bạt... vẫn thường xuyên tiếp diễn. Thực trạng này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến kết cấu công trình trạm điện (bít lỗ thông gió, mục, gỉ sét...) dẫn đến tình trạng vận hành không bảo đảm an toàn về điện, an toàn phòng chống cháy nổ đối với người dân.
Trước tồn tại trên, Tổng Công ty Điện lực TP HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND các quận - huyện, sở - ngành liên quan tăng cường sự phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, xâm phạm công trình điện; tổ chức tuyên truyền sâu, rộng về nâng cao ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.
Đặt “bom” trong khu dân cư
Ngoài nỗi ám ảnh “xe mù”, bốt điện bị chiếm dụng, người dân TP HCM nhiều năm qua còn kinh hãi trước sự thiếu an toàn cháy nổ ở các cơ sở kinh doanh gas, hàn xì trong khu dân cư.
Qua ghi nhận của phóng viên, trên nhiều tuyến đường như Trường Chinh, Âu Cơ (quận Tân Phú); Phạm Thế Hiển, Phạm Hùng (quận 8); Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh); Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức)…, có hàng chục đại lý gas sang chiết gas trái phép; nhiều cơ sở hàn còn đem hẳn bình gió đá ra vỉa hè để hàn xì, vừa gây ồn vừa gây lo sợ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào… Bằng chứng là thời gian qua, đã từng xảy ra hàng loạt vụ cháy nổ do hàn xì, sang chiết gas.
Ngoài việc quản lý còn nhiều bất cập, qua khảo sát tại nhiều cơ sở hàn cắt kim loại, chúng tôi thấy số đông các thợ hàn, sang chiết gas không được tập huấn các kiến thức cơ bản về PCCC. Do đó, khi họ hàn cắt kim loại, hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào; chưa kể, hiện nhiều cơ sở còn sử dụng các bình hàn gió đá đã cũ, hoen gỉ…
X.Giang
Bình luận (0)