Mặt trời đứng bóng, ông Nguyễn Văn Lanh (SN 1959, quê Phú Yên) gói xấp vé số vào bịch ni-lông, ghé quán cơm Nụ Cười trên đường Cống Quỳnh, quận 1 nghỉ trưa. Quán cơm này đã gắn bó với ông 3 năm nay.
Xóm vé số nghèo ăn cơm nhân ái
Quệt mồ hôi lấm tấm trên trán, ông kể mình từng có một gia đình hạnh phúc nhưng rồi một ngày, vợ ông bị đột quỵ qua đời. Ông về ở với con, phụ chăm sóc mấy đứa cháu cho vơi trống vắng. Sau đó, người con trai duy nhất của ông làm ăn thua lỗ, thường xuyên cãi nhau với vợ. Đôi lần, ông lại nghe con dâu xỉa xói rằng cha chồng “ăn không ngồi rồi”. Vậy là qua Tết, ông lẳng lặng theo vài người bạn vào TP HCM bán vé số tự kiếm sống nuôi thân.
“Tụi tui quê ở Phú Yên. Vào đây bán vé số kiếm sống qua ngày, quần tụ thành cái xóm khoảng 30 người. Mỗi người một cảnh nhưng ai cũng nghèo, cũng vất vả. Nhờ cái quán cơm này mà tụi tui đỡ nhiều lắm!” - ông Lanh nói.
Xóm vé số của ông Lanh và nhiều bà con xứ nẫu là một khu nhà trọ chật chội nằm trong con hẻm sâu trên đường Nguyễn Trãi (quận 1). Mỗi sáng, mọi người cầm tập vé số, rảo khắp phố phường đến tối mịt mới về. Nhưng dù có đi đâu thì trưa nào họ cũng không quên ghé quán cơm Nụ Cười vì ở đây ăn no bụng chỉ hết 2.000 đồng.
“Mỗi lúc bán không được tấm vé nào, nếu không có quán cơm này thì nhiều người trong xóm có lẽ sẽ nhịn bữa trưa, uống nước trừ cơm để chiều bán tiếp” - không đợi chúng tôi hỏi, bà Lài, một thành viên trong xóm vé số, vừa kéo ghế ra ngồi dùng cơm, nói ngay.
Niềm hy vọng của bệnh nhân nghèo
Ngoài quán cơm Nụ Cười này, rất nhiều nhóm thiện nguyện tại TP HCM hiện đang định kỳ phát cơm từ thiện miễn phí cho người nghèo. CLB thiện nguyện mang tên “Nhịn ăn sáng” (ở quận Bình Thạnh,
TP HCM) đã duy trì các suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo suốt 3 năm nay.
Thành viên trong bếp ăn miễn phí này có hơn 50 người, đa phần là học sinh THPT và sinh viên. Lấy ý tưởng từ một clip giáo dục nhân cách trên mạng xã hội, một số học sinh đã thành lập trang Facebook nhằm phát động và liên kết những tấm lòng nhân ái trẻ tuổi đến với nhau.
Vì vấn đề tài chính là yếu tố cốt lõi để duy trì bếp ăn từ thiện, nhất là với các bạn trẻ còn đang tuổi ăn tuổi học, nên các thành viên đã nhịn ăn sáng vài hôm để góp kinh phí cho bếp ăn.
Cứ 2 tuần, đến ngày chủ nhật, các em tự mua nguyên liệu, tự nấu nướng các suất ăn từ thiện. “Bữa ăn tụi em mang đến cho các bệnh nhi, các cụ già có hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện là cơm, canh, cháo, bún. Các thành viên đã tự học nấu ăn, cố gắng nấu hợp khẩu vị hơn để mọi người có thêm phần ăn ngon, chống chọi với bệnh tật” - Huỳnh Ngọc Phương Trang - sinh viên năm 3 Trường ĐH Văn hóa TP HCM, trưởng bếp ăn thiện nguyện 9X này - nói.
Một ngày cuối tháng 2-2016, CLB từ thiện Sen Hồng (quận 11, TP HCM) tập hợp tại nhà riêng của một thành viên trong nhóm nấu cơm. Khi mọi thứ xong, cơm được chất lên xe. Anh Lê Văn Trung, chủ nhiệm CLB, căn dặn mọi người nhớ phát cơm đúng người nghèo và bệnh nhân.
Đúng 11 giờ, xe cơm vừa đến trước Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Chưa kịp thông báo, gần 50 người ùn ùn băng qua đường nhận cơm. “Bà con mình cứ xếp hàng, ai cũng có phần hết” - anh Trung nói.
Chen chân cùng nhiều bệnh nhân nhận cơm từ thiện, chị N.N.Lan (mẹ bệnh nhi K.T) mắt đỏ hoe như chực khóc. Nhà ở tận Quảng Nam, từ khi bé, T. mắc bệnh ung thư, cả nhà như rơi vào cơn ác mộng kéo dài không dứt. Hai mẹ con khăn gói vào TP HCM chữa trị cho bé đã 3 tháng nay; cha thì ở quê phụ hồ, khuân vác kiếm tiền trang trải. Tất cả tài sản cái nào có chút giá trị đều đã đem đi cầm cố hoặc bán sạch.
Theo chị Lan, ngoài tiền thuốc thang, viện phí thì tiền ăn uống, sinh hoạt của 2 mẹ con cũng tốn khá nhiều. Có lúc, vì chắt chiu tiền để lo cho con điều trị mà chị Lan nhịn hoặc thậm chí quên luôn bữa trưa. Một hôm, ra đến cổng bệnh viện, thấy gánh cơm từ thiện của mấy nhà hảo tâm, chị cũng thử đứng xếp hàng chờ tới lượt mình. Nhận được hộp cơm nóng hổi, chị mừng rơi nước mắt...
“Nào giờ có nghĩ người ta cho mình miễn phí vậy đâu. Cứ nghe nói Sài Gòn mạnh ai nấy sống, giờ mới thấy cuộc đời còn tình, còn nghĩa, còn những người quan tâm đến hoàn cảnh như mẹ con tôi. Tôi biết ơn lắm! Mai này trời thương cho con hết bệnh, tôi nguyện sẽ xin đi nấu cơm y vậy cho người nghèo” - người mẹ trẻ nhắn nhủ.
Hai cha con ông Chau Kia (quê An Giang) vào Bệnh viện Ung bướu khoảng 2 tháng trước. Con trai ông bị nổi hạch ở cổ. Nhà nghèo, tiền chữa bệnh cho con đa phần đều đi vay mượn từ bà con chòm xóm. Bắt gặp gánh cơm từ thiện đến bệnh viện, ông mừng quá, chen chân ra cổng nhận cơm thì bị người khác chen lấn, giẫm phải chân khiến ông té trật khớp. Ông tập tễnh đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình bó bột, con trai lại nằm điều trị ở Bệnh viện Ung bướu. Hay tin, những người thiện nguyện đã hỗ trợ cha con ông Kia nhận cơm.
“Trước khi mở hộp cơm tình nghĩa cho con, tôi luôn dạy con về lòng tốt và ý thức vượt qua thử thách để vươn lên. Nhờ phần cơm của các anh chị tình nguyện mà cha con tôi hiểu được rằng hôm nay trong hoàn cảnh khó khăn, mình nhận tấm lòng của người khác để ngày mai mình cho lại. Bác sĩ nói bệnh cháu 80% khả năng vượt qua được. Cháu cũng nói nếu qua khỏi, lớn lên con sẽ ráng học giỏi, làm bác sĩ để chữa bệnh cho mấy bạn khác giống như con” - ông Chau Kia xúc động.
Kỳ tới: Đội quân “săn” cơm miễn phí
Bình luận (0)