Mọi sự “áp đặt” đó không hiểu vì sao lại “qua mặt” được tất cả các kiểm sát viên, thẩm phán trong cả 2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm. Nếu không có “tình tiết giảm nhẹ” là con liệt sĩ, có lẽ giờ đây ông Chấn đã không còn cơ hội được trở về với gia đình. Oan ức thấu trời, ông Nguyễn Thanh Chấn cùng thân nhân đã đằng đẵng kêu oan tới 10 năm qua mà sao không “thấu” tới các cơ quan chức năng!
Trong thực tế còn bao nhiêu con người bị kết tội oan, bao nhiêu vụ án oan? Không thể trả lời chính xác câu hỏi này. Tuy nhiên, từ vụ án oan điển hình Nguyễn Thanh Chấn và vụ án oan khác từng xảy ra ở chính tỉnh Bắc Giang cùng thời điểm vụ án ông Chấn… có thể thấy rằng không loại trừ còn những vụ án oan khác.
Nghị quyết về bồi thường những người bị oan sai mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2003 đã góp phần hạn chế những vụ án oan sai. Thế nhưng, cần phải hành động quyết liệt hơn nữa để bịt các “lỗ hổng” dẫn tới án oan. Đó có thể là việc sửa luật để cho phép luật sư tham gia từ đầu tới cuối tiến trình tố tụng để việc mớm cung và ép cung không còn đất sống; là việc phải có cơ chế để những lá đơn kêu oan của những người như ông Nguyễn Thanh Chấn và vợ ông được xử lý rốt ráo, trách nhiệm.
Bình luận (0)