Những ngày này, không khí nơi làng chài Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi rộn ràng bởi hàng chục con tàu công suất lớn nổ máy, hướng mũi ra Hoàng Sa. Đối với nhiều ngư dân, chuyến ra Hoàng Sa lần này không đơn thuần đi đánh bắt cá mà còn có nhiệm vụ thiêng liêng là góp phần bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư trường Hoàng Sa truyền thống bao đời cha ông đã gìn giữ.
“Hoàng Sa bị đe dọa, phải có trách nhiệm!”
Men theo con đường nhỏ dẫn từ bãi biển vào sâu trong thôn, chúng tôi gặp bà Dương Thị Thanh (62 tuổi, mẹ ngư dân Huỳnh Tấn Cảm, 25 tuổi) đang lặng lẽ nhìn về hướng những con tàu dần xa khuất trên mặt biển. Đôi mắt mờ, thấm ướt, bà tâm sự: Từ khi biết Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở biển của mình, bà con ở đây giận lắm nên ai cũng động viên chồng, con ra khơi góp sức bảo vệ biển đảo, ngư trường. Bà Thanh đã khuyên con đang đánh bắt ở ngư trường khác chuyển hướng ra Hoàng Sa, như một sự đền ơn với Tổ quốc, với đất nước.
“Ngày trước, cha, ông nội nó đã từng hy sinh ở Hoàng Sa. Bây giờ, Hoàng Sa bị đe dọa, nó phải có trách nhiệm ra bảo vệ mảnh đất của cha ông mình. Biết ra Hoàng Sa lúc này là đối mặt với hiểm nguy nhưng không lẽ vì thế mà mình sợ Trung Quốc. Tôi tin ở đó ngư dân mình không đơn độc”- bà Thanh nói.
Ở làng chài Định Tân, không chỉ có ngư dân trẻ Huỳnh Tấn Cảm mà còn hàng trăm ngư dân trẻ khác cũng tình nguyện chuyển hướng ra Hoàng Sa. Hầu hết các ngư dân này đều ra Hoàng Sa với một ý chí phản đối hành động ngang ngược, hung hăng của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan trái phép ở ngư trường Hoàng Sa truyền thống của ngư dân...
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cho biết từ khi hay tin Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, đã có ít nhất 15 con tàu của ngư dân Bình Châu tình nguyện chuyển hướng ra Hoàng Sa đánh bắt. Nhiều ngư dân lâu nay làm nghề lặn, đánh bắt ở những ngư trường khác hay vùng biển phía Bắc cũng bắt đầu ra Hoàng Sa.
Ốc u đã thổi lên rồi!...
Rời làng chài Định Tân, chúng tôi tìm đến làng chài Thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn). Đây vốn là ngôi làng nổi tiếng với truyền thống bám biển Hoàng Sa. Từ trước tới giờ, người ta không thống kê hết được đã có bao nhiêu ngư dân tử nạn ở biển Hoàng Sa. Họ chỉ biết quanh thôn có hàng ngàn ngôi mộ gió là có bấy nhiêu người đã ngã xuống vì Hoàng Sa thân thương.
Chúng tôi gặp vợ chồng ngư dân Nguyễn Văn Khánh (36 tuổi, ngụ thôn Tây, xã An Hải) khi đang tất bật chuẩn bị cho chuyến biển Hoàng Sa vào sáng ngày mai. Anh Khánh tâm sự : “Biển Hoàng Sa là nơi cha ông mình đổ xương máu, ngã xuống. Giờ Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan, không cho ngư dân mình đánh bắt cá nơi đó là việc làm quá ngang ngược, vô lý. Tôi nguyện sẽ đánh đổi tất cả để ra Hoàng Sa, ra bảo vệ ngư trường của cha ông mình”.
Anh Khánh là một thuyền viên trên tàu QNg 96149 TS của ngư dân Bùi Văn Phải (ngụ xã An Hải, Lý Sơn). Đây là con tàu được Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động trao tặng vì Hoàng Sa thân thương.
Vợ anh Khánh, chị Dương Thị Ân, từ khi biết chồng theo tàu QNg 96149 TS chuyển hướng đánh bắt ra Hoàng Sa, chị thấp thỏm không yên. Tuy nhiên, chị tâm sự: “Hồi trước, ở đảo Lý Sơn này, có bao nhiêu người của đội Hoàng Sa đã ra khai hoang, bảo vệ Hoàng Sa. Người ngã xuống, người trở về. Bây giờ cũng thế… Có lẽ đến bây giờ tôi mới hiểu hết được ý nghĩa câu hát: “Con ơi con ngủ cho ngoan. Để mẹ nấu cháo luộc rau cha dùng. Ốc u đã thổi lên rồi. Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa”…
Không bao giờ bỏ ngư trường Hoàng Sa
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, Lý Sơn, cho biết chỉ tính riêng ở Lý Sơn hiện có hơn 1.000 tàu cá. Trong số đó, có hơn 200 tàu cá, với khoảng 1.500 ngư dân đánh bắt xa bờ, chủ yếu là quần đảo Hoàng Sa.
“Từ khi biết Trung Quốc xâm lấn vùng biển Hoàng Sa, đã có hơn 300 tàu cá của ngư dân Lý Sơn chuyển hướng đánh bắt ra Hoàng Sa. Có thể nói, Hoàng Sa là máu thịt, là tất cả những gì thiêng liêng nhất của ngư dân chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ ngư trường Hoàng Sa”- ông Chinh khẳng định.
Bình luận (0)