Trước đó, phương án 2 mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ đề xuất cho nghỉ lễ dịp này đến 8 ngày!
Sáu ngày mà đã thấy rất dài, bởi vừa trải qua 9 ngày nghỉ Tết và dư âm “tháng giêng là tháng ăn chơi” vẫn còn khiến mọi người “no” ngày nghỉ.
Với điều kiện Việt Nam hiện nay - nhất là khi chúng ta đang nỗ lực hòa nhịp với thế giới và hội nhập quốc tế sâu rộng - thì việc cho nghỉ lễ bao nhiêu ngày, phân bổ ra sao cho hợp lý... là điều cần phải bàn. Bàn để những lần sau có quyết định phù hợp hơn.
Đã rất nhiều năm khối doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các DN thâm dụng lao động, phàn nàn về những kỳ nghỉ lễ quá dài. Sau chuỗi ngày nghỉ Tết lê thê, đơn hàng đang dang dở, ngày giao đã kề mà công nhân còn xa vắng, chủ DN như ngồi trên lửa. Vào việc sau Tết đã trễ, phải mất thêm nhiều ngày bắt nhịp nữa, sản xuất mới ổn định được. Giá trị tinh thần từ Tết mà người làm công thụ hưởng thì vô hình còn thiệt hại kinh tế đối với DN là hữu hình. Và sự thiệt hại này chắc chắn ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân.
Các DN FDI dù rất tôn trọng tập quán của nước sở tại song trước những bất cập như vậy, tại một số diễn đàn kinh tế trước đây, họ đã bày tỏ sự không hài lòng và đề nghị điều chỉnh. Các quốc gia khác một khi đã xem trọng quyền lợi của nhà đầu tư thì luôn đặt vấn đề ổn định lao động, ổn định sản xuất lên hàng đầu bằng cách lập kế hoạch nghỉ lễ từ cả năm trước và thông báo đến DN rất sớm. Không như ở ta, sớm lắm là 1 tháng, nên chẳng mấy DN xoay xở kịp. Tháng tới, công chức, viên chức nhà nước nghỉ suốt 6 ngày thì cơ man hồ sơ thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, giấy phép kinh doanh... sẽ bị ách tắc theo.
Chúng ta thường đề cao một số mặt tích cực của nghỉ lễ nhiều ngày nhưng thực tế bây giờ đã đổi khác. Rất nhiều người nghỉ ở nhà nhiều ngày quá lại không biết làm gì. Trong điều kiện kinh tế chưa hết khó, lương - thưởng còn “treo”, mấy ai lắm tiền mà thong dong đi du lịch hay mua sắm?! Cũng trong những ngày “nhàn cư” ấy lại dễ “vi bất thiện”, bằng chứng là dịp Tết vừa rồi, hơn 6.200 người đã nhập viện do choảng nhau.
Việt Nam chưa có thống kê về thiệt hại vật chất do nghỉ lễ quá dài, vì vậy cần tham khảo bạn bè quốc tế. Chẳng hạn, Vương quốc Anh: GDP mất 19 tỉ bảng mỗi năm do Bank Holiday, theo báo cáo năm 2012 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế học (CEBR, Anh quốc); Trung Quốc: GDP quý I hằng năm giảm đến 25% so với quý trước vì Tết Nguyên đán, theo nghiên cứu của Viện Quan hệ Úc - Trung Quốc thuộc ĐH Công nghệ Sydney (trong khi Úc nghỉ ít ngày hơn nên GDP chỉ mất 6%).
Ông bà ta thường nói “người giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn”. Các nước dù đã giàu có song vẫn luôn tranh thủ từng thời khắc để tiến thêm về phía trước. Còn mình đã nghèo và chậm bước hơn người ta rất nhiều mà cứ mong hưởng thụ thì biết bao giờ mới khá lên?!
Bình luận (0)