Chiều ngày 25-7 tại buổi giao ban báo chí của thường kỳ của Thành ủy Hà Nội, Thượng tá Lê Khắc Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC45, Công an TP Hà Nội), cho biết tình hình bắt cóc trẻ em và mua bán người trên địa bàn là rất thấp, chủ yếu các vụ án xảy ra ở tỉnh ngoài và được công an TP điều tra, khám phá.
Thượng tá Sơn phát biểu tại buổi giao ban báo chí thường kỳ
Theo Thượng tá Sơn, trong 3 năm từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2017, công an TP Hà Nội khám phá 7 vụ (2 vụ bắt cóc trẻ em và 5 vụ mua bán người), bắt giữ 10 đối tượng, xác định 14 nạn nhân. Cụ thể, trong năm 2015 xảy ra 3 vụ, bắt giữ 5 đối tượng, giải cứu 3 nạn nhân; năm 2016 xảy ra 2 vụ, bắt giữ 3 đối tượng, giải cứu 5 nạn nhân; 6 tháng đầu năm 2017 xảy ra 2 vụ bắt giữ 2 đối tượng, giải cứu 6 nạn nhân.
Trong số 7 vụ này, có 5 vụ mua bán ra nước ngoài; 2 vụ mua bán trong nội địa. Mục đích bán người làm mại dâm 5 vụ, làm vợ người Trung Quốc 1 vụ, làm con nuôi 1 vụ.
Theo PC45, việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn đối với tội phạm mua bán người ở các tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người còn nhiều khó khăn do phần lớn đối tượng mua bán người là người tỉnh ngoài về địa bàn TP Hà Nội hoạt động lưu động, không đăng ký tạm trú hoặc không có nơi ở cố định, gây khó khăn cho việc quản lý. Sự phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị chức năng còn chậm, không kịp thời nên rất ít vụ việc nạn nhân được giải cứu tại Việt Nam.
Ngoài ra, đối tượng mua bán người thường xuyên sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, đặc biệt là có sự câu kết chặt chẽ với các đối tượng nước ngoài hoặc đối tượng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài để phạm tội và tránh sự phát hiện, điều tra của cơ quan Công an. Do vậy, đối tượng khi tiếp xúc với nạn nhân thường thay đổi tên, tuổi, địa chỉ và dùng nhiều số điện thoại khuyến mại khác nhau để làm quen và lừa gạt.
Bên cạnh đó, khó khăn trong việc xác định và giải cứu nạn nhân bị mua bán: Hầu hết các nạn nhân bị mua bán trong các vụ án đã khám phá là bị bán sang Trung Quốc để làm gái mại dâm và lấy chồng Trung Quốc bất hợp pháp. Khi sang địa phận Trung Quốc, nạn nhân bị quản lý, thu hết điện thoại, nạn nhân không biết tiếng Trung Quốc và địa hình đi lại nên không biết mình ở đâu, không có phương tiện thông tin để liên lạc với gia đình thông báo tình hình.
PC45 cho biết các đối tượng mua bán người chủ yếu lợi dụng sự kém hiểu biết của người bị hại ở những vùng nông thôn những người chưa có việc làm, hoàn cảnh khó khăn để làm quen rồi dụ dỗ hứa hẹn việc làm có thu nhập cao, hoặc rủ đi chơi, mua sắm để lừa bán.
Thượng tá Sơn cho biết thêm thời gian gần đây tại TP Hà Nội có một số thông tin bắt cóc trẻ em không đúng sự thật, gây hệ lụy rất nặng nề. Do vậy Công an TP Hà Nội đề nghị người dân bình tĩnh, kiểm chứng thông tin và trình báo Công an để có hướng giải quyết, tránh trường hợp như vụ việc 2 người bán tăm bông bị đánh oan ở huyện Sóc Sơn thời gian vừa qua.
Bình luận (0)