Hai dự án luật liên quan nhiều đến nhau là Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn (CĐ) sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận sôi nổi tại hội trường ngày 22-11 với các vấn đề quan trọng đối với đời sống và việc làm của người lao động (NLĐ).
Người lao động cần Công đoàn đại diện
Dưới góc độ quan hệ lao động, đại biểu (ĐB) Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng NLĐ là số đông, đòi hỏi phải có người đại diện nên Luật CĐ phải sửa theo hướng quy định rõ vai trò đại diện cho NLĐ. CĐ cần tham gia giải quyết tranh chấp lao động theo cơ chế 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và CĐ. Đồng tình quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng đây là chức năng vốn có, bẩm sinh của CĐ. Việc này cũng tránh việc các tổ chức lợi dụng để chống phá Nhà nước.
Dưới góc độ DN, ĐB Thân Đức Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 (Cienco5) - Đà Nẵng, cho rằng: CĐ là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, tuyệt đối chống lại tư tưởng đa nguyên CĐ, đa đại diện chia sẻ giai cấp công nhân Việt Nam. “Thực tế chứng minh trong những năm qua, tại DN chúng tôi, CĐ tổ chức các phong trào góp phần vào việc động viên CNVC-LĐ tích cực học tập, lao động sáng tạo, chăm lo đời sống tinh thần NLĐ…” - ông Nam dẫn chứng.
Đại biểu Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM,
đóng góp dự thảo Luật Công đoàn tại Quốc hội vào chiều 22-11. Ảnh: THẾ DŨNG
Về vấn đề đình công, ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM) cho rằng mặc dù việc tổ chức đình công đã được nghiên cứu có nhiều điều kiện bổ sung nhưng thời gian vẫn kéo dài. Với quy định chậm nhất 15 ngày cho NLĐ tiến hành đình công so với các nước khác như Mỹ 10 ngày, Anh 7 ngày… thì ở Việt Nam vẫn quá dài. Vì vậy, ĐB Hải đề nghị NLĐ có thể tiến hành đình công không nhất thiết phải theo trình tự qua các bước mà có thể đề xuất với người sử dụng lao động, nếu không được đáp ứng trong một thời gian nhất định, họ có thể tiến hành đình công.
Đề xuất giữ nguyên quy định về thời gian làm thêm
Tại buổi thảo luận về Bộ Luật Lao động (sửa đổi) trước đó vào sáng cùng ngày, vấn đề thời gian làm thêm lại làm “nóng” hội trường.
ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) công bố thông tin gây “sốc”: Dự luật mới quy định thời gian làm thêm 360 giờ song trong thực tế, một số DN, nhất là dệt may và chế biến nông - hải sản đã tổ chức làm thêm có thể lên tới 700 giờ/năm. ĐB Hoàn đánh giá đây là nhu cầu của cả NLĐ lẫn chủ sử dụng lao động.
Tuy nhiên, ĐB Cù Thị Hậu bày tỏ sự bất bình ngay sau đó: “Tôi đã từng có 19 năm làm công nhân nên hiểu rõ đời sống của công nhân đang ở vị trí nào trong xã hội. Tôi cho rằng có thể làm thêm đến 700 giờ/năm như ĐB Hoàn nêu thì đang vi phạm nghiêm trọng về luật lao động”. Theo tính toán của ĐB Cù Thị Hậu, Bộ Luật Lao động sửa đổi quy định tăng thời gian làm thêm lên 360 giờ/năm (tương đương 45 ngày) cùng với 52 ngày thứ bảy trong một năm công nhân vẫn đang phải làm thì sẽ tăng lên 97 ngày làm việc. Công nhân chỉ được nghỉ có 7 ngày/năm, trong khi công chức được nghỉ 104 ngày (tức là một tuần nghỉ 2 ngày).
ĐB Trần Thanh Hải đưa dẫn chứng: Ngày 21-10 vừa qua, tại TPHCM đã xảy ra cuộc đình công ở một công ty có sự chăm lo đời sống vật chất và tinh thần rất tốt cho NLĐ. Yêu cầu của NLĐ là một tháng được nghỉ 2 ngày thứ bảy. Từ đó, ĐB Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể giữ nguyên quy định về thời gian làm thêm như bộ luật hiện hành.
Phân tích nguyên nhân sâu xa, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) chỉ ra đó là do trong thực tế, lương tối thiểu quá thấp. 14 năm qua, hơn 3.000 cuộc đình công đều xuất phát từ tiền lương. Còn ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) lên tiếng: “Qua dự thảo sửa đổi lần này, chúng ta bảo vệ người sử dụng lao động nhiều hơn là bảo vệ NLĐ. Nếu toàn bộ vấn đề mới sửa trong luật được thông qua thì bất công đối với NLĐ”.
Giữ 3,81 triệu ha đất trồng lúa Chiều 22-11, với 86,8% số ĐB tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011-2015 cấp quốc gia. Điểm quan trọng theo nghị quyết này là đến năm 2020, đất trồng lúa sẽ là 3,81 triệu ha. Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết con số 3,81 triệu ha đã được tính toán nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong dài hạn trước áp lực tăng dân số, thách thức của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời tính đến nhu cầu chuyển đất trồng lúa cho các mục đích sử dụng khác. Ngoài ra, diện tích đất rừng phòng hộ năm 2020 sẽ tăng lên 5,842 triệu ha, đất rừng đặc dụng sẽ tăng lên 2,271 triệu ha và đất rừng sản xuất là 8,132 triệu ha. Đất KCN hiện nay là 72.000 ha sẽ tăng lên và ổn định ở mức 200.000 ha vào năm 2020.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến sau năm 2020, đất KCN sẽ ổn định và sẽ tập trung vào việc lấp đầy. Đối với đất ở tại đô thị, sẽ tăng lên 179.000 ha vào năm 2015 và 202.000 ha vào năm 2020.
Diện tích đất phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao vào năm 2020 sẽ tăng gấp 2 lần so với năm 2010, bảo đảm đáp ứng các nhu cầu của nhân dân…
T.Dũng |
Bình luận (0)