Một cây gõ hàng trăm năm tuổi có đường kính gần 2m, bị lâm tặc đốn hạ
Mở đường, băm nát núi…
Còn tại khu vực đồi núi ở thôn 3, 4 và khu vực sông Lon, thuộc xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam là rừng già có tuổi hàng trăm năm nhưng thời gian qua lâm tặc, vàng tặc ngang nhiên vào tàn phá trước mắt chính quyền địa phương.
Những ngày đầu năm 2012, tiết trời vẫn âm u, những cơn mưa phùn đã làm những con đường đất ở xã Trà Ka càng thêm lầy lội. Nhóm phóng viên chúng tôi trong vai những lâm tặc, vượt núi vào rừng để tận mắt chứng kiến “công nghệ” phá rừng thời nay. một người chuyên đi rừng cho biết: “Vào được chỗ lâm tặc cưa xẻ gỗ ngay trong rừng phải đi bộ đến vài giờ. Xa lắm, trời mùa này hay mưa chiều, đường bùn lầy rất khó đi, nguy hiểm. nếu đi vào được thì không biết có ra lại kịp khi trời chạm tối không?”.
Từ trung tâm xã Trà Ka, chúng tôi vượt núi thêm gần 4 giờ mới vào được nơi lâm tặc đang hoạt động. Đập vào mắt chúng tôi là một con đường đất bị xe tải nặng chở gỗ băm nát. Hàng trăm cây gỗ quý có đường kính từ 0,5 m đến 1 m nằm la liệt hai bên vệ đường. Theo người dẫn đường, tất cả đều do lâm tặc và vàng tặc chặt hạ để mở đường vào khai thác ở sông Lon. Ngày trước, những dãy núi này sừng sững, rợp bóng cây rừng nhưng giờ đây đã tan hoang hết rồi. Những cánh rừng bạt ngàn giờ chỉ còn trơ gốc. Những cây non mới nhú lên từ gốc những cây đại thụ bị đốn hạ cũng bị xe cơ giới cày nát.
Được biết, tuyến đường dài gần 20 km từ trung tâm xã Trà Ka vào đến khu vực khai thác gỗ và khai thác vàng dưới sông Lon bị lâm tặc và vàng tặc “bắt tay” nhau đưa xe xúc có công suất lớn vào san ủi mở đường từ tháng 2-2011. Dù chính quyền địa phương biết rất rõ nhưng hơn một năm qua vẫn để lâm tặc, vàng tặc ngang nhiên “sở hữu” cánh rừng già này một cách công khai.
Dọc theo con đường độc đạo do lâm tặc, vàng tặc san ủi là những cây gỗ có tuổi hàng chục, thậm chí hàng trăm năm bị triệt hạ không thương tiếc nằm la liệt, ngổn ngang. Nhiều cây bị lâm tặc chê nằm vùi lấp bên vệ đường.
Mặc kệ rừng chết
Không biết trên đường chúng tôi đi vào rừng có ai theo dõi và “mật thám” cho lâm tặc hay không nhưng vừa đến địa điểm xẻ gỗ của lâm tặc đã không còn bóng người. Hiện trường các xưởng cưa còn mới nguyên, toàn là gỗ vừa được đốn hạ chưa chuyển ra ngoài. Những gốc cây to đến 2, 3 người ôm không hết, hàng trăm cây rừng vừa bị lâm tặc hạ chưa xẻ thành gỗ nằm la liệt. Quan sát xung quanh, dấu vết gỗ quý như lim, sến, giổi, táu, gõ…, vừa được hạ xuống bãi tạo thành khoảnh rừng trống hoác và dấu vết kéo gỗ vẫn còn in hằn trên mặt đất ướt. Còn phía bên kia, những đống gỗ thành phẩm vừa được xẻ xong còn ứa nhựa chưa được chuyển ra ngoài.
Để “khai thác” hiệu quả, lâm tặc tổ chức thành từng nhóm, mang theo đồ ăn thức uống, lều bạt ở cả tháng trong rừng. Họ dựng lều ngay trong rừng, với phương tiện chủ yếu là máy cưa xăng. Cứ mỗi lần tìm được điểm khai thác gỗ là dân khai thác lại lập lán trại, dựng xưởng cưa tại chỗ, dùng cưa máy hạ cây, xẻ thành tấm. Cưa xong khoảnh rừng này lại chuyển lán sang khoảnh rừng khác có nhiều gỗ để tiếp tục đốn hạ. Một máy cưa xách tay trung bình một ngày có thể hạ và xẻ được vài mét khối gỗ. Và để có được 1 khối gỗ, phải đốn hạ ít nhất 2 - 3 cây lớn. Một cây rừng bị đốn hạ, làm gãy hàng loạt cây rừng khác.
Việc lâm tặc coi thường pháp luật, phá rừng nguyên sinh giữa thanh thiên bạch nhật đã diễn ra cả năm qua vậy mà chính quyền địa phương, kiểm lâm... không có biện pháp nào ngăn chặn. Càng khó hiểu hơn khi việc mở đường và triệt hạ rừng trái phép nằm cách nhà ông Hồ Văn Trần, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Ka, chỉ có mấy bước đường.
Đề cập vấn đề này, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho biết: Huyện đã biết việc phá rừng trên rất rõ và đã nhiều lần tổ chức truy quét nhưng lâm tặc, vàng tặc lặn tăm. Khi lực lượng truy quét rút lui thì lâm tặc lại phá rừng. Khi chúng tôi đặt vấn đề cán bộ xã Trà Ka bao che cho lâm tặc, vàng tặc, ông Phong trả lời: “Chúng tôi cũng có nghe nói chuyện này nhưng chưa nắm chắc lắm nên không thể trả lời được”. Cuối cùng, chúng tôi chỉ nhận được câu đúc kết của ông Phong là rừng bị phá là do… “lực lượng chức năng bảo vệ, quản lý rừng quá mỏng”!
Xử lý nghiêm vụ cán bộ phá rừng nuôi tôm
Ngày 15-3, Thường vụ Huyện ủy Tuy An, tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc họp nhằm xử lý vụ 8 cán bộ, đảng viên và 40 hộ dân tham gia phá rừng phòng hộ ven biển ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An để nuôi tôm trái phép (Báo Người Lao Động số ra ngày 15-2 đã phản ánh). Tại cuộc họp này, ông Trần Mạnh Trí, Bí thư Huyện ủy Tuy An, đã chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp phá rừng để làm hồ nuôi tôm với diện tích gần 67.000 m2. Cụ thể, các cán bộ, đảng viên sẽ bị kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật thích đáng; tự tháo dỡ, san ủi hồ nuôi tôm, trả lại hiện trạng như cũ trước ngày 25-3. Các hộ dân sai phạm phải tự hoàn trả mặt bằng trong thời hạn từ nay đến cuối tháng 3 - 2012. Nếu cá nhân nào không thực hiện, chính quyền địa phương sẽ xử phạt, tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất sử dụng sai mục đích và xử lý cải tạo môi trường.
H. Ánh |
Bình luận (0)