Từ năm 2004 đến 2011, UBND hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã cho 70 doanh nghiệp (DN) thuê gần 57.000 ha đất rừng để thực hiện 71 dự án đầu tư. Khoảng một nửa diện tích này sẽ được quy hoạch trồng rừng, cao su..., còn lại là rừng tự nhiên phải khoanh vùng bảo vệ. Thế nhưng, đến nay đã có 5.600 ha rừng đã bị tàn phá.
Thuê để phá
Đắk Nông có 34 DN được UBND tỉnh cho thuê gần 24.000 ha đất lâm nghiệp để thực hiện 35 dự án. Đến nay, các chủ dự án mới trồng được gần 5.000 ha cao su và rừng. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, chỉ có 9 dự án thực hiện hiệu quả. Tiến độ triển khai các hạng mục chính như trồng rừng, trồng cao su cũng rất chậm so với kế hoạch và phân kỳ đầu tư. Đặc biệt, hàng loạt DN như Công ty TNHH Ngọc Thạch, Công ty TNHH Luân Thịnh, Công ty Greenfeet Thái Lan, Công ty CP Hồng Gia Phát, Công ty CP Chế biến gỗ Thăng Long... sau khi thuê hàng ngàn hecta đất lâm nghiệp đã “treo” luôn dự án.
Trong diện tích đất lâm nghiệp mà tỉnh Đắk Nông giao cho các DN, có hơn 13.000 ha rừng tự nhiên phải khoanh vùng bảo vệ nhưng đã có hơn 3.600 ha bị “làm thịt”. Nhiều DN để mất rừng với diện tích lớn như Công ty CP Đầu tư xây dựng 59 để mất 200 ha, DNTN Phạm Quốc để mất 224 ha, Công ty TNHH Long Sơn để mất 439 ha, Công ty CP Đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới để mất hơn 821 ha…
Những cánh rừng bị tàn phá sau khi được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho các doanh nghiệp
Theo một cán bộ kiểm lâm, rất dễ lý giải việc mất rừng, vì mục đích của các DN là đất chứ không phải rừng. Họ thiếu trách nhiệm đến mức nhiều DN không biết rừng do mình quản lý bị mất bao nhiêu, lúc nào. Cũng theo cán bộ này, không loại trừ một số DN đã “bật đèn xanh” cho các đối tượng khác phá rừng, sau đó xin chuyển sang trồng cao su hoặc mua bán trái phép. Còn theo ông Y Rít Buôn Yă, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, rừng mất là do người dân phá để lấy đất sản xuất nhưng không loại trừ khả năng một số đối tượng, tổ chức xúi giục người dân phá rừng.
Song nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc mất rừng ồ ạt là do DN thiếu năng lực tài chính nhưng vẫn thuê đất để xí phần. Mỗi DN được giao từ hàng trăm đến hàng ngàn hecta rừng nhưng chỉ có vài người bảo vệ nên rừng ngày càng teo tóp.
Không dễ đòi khoản thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng
Trước thực trạng mất rừng không thể kiểm soát, UBND hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng trên thực tế, những biện pháp đó đều khó thực hiện.
Ngày 9-5-2011, ông Đỗ Thế Nhữ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã ký Công văn 1591/UBND-NN giao Chi cục Kiểm lâm làm rõ toàn bộ các vụ phá rừng tại 12 DN để mất rừng nhiều nhất. Theo đó, nếu DN để mất rừng do không làm tròn trách nhiệm, không có biện pháp ngăn chặn thì đề nghị UBND tỉnh xử lý theo quy định hiện hành - được hiểu là DN phải bồi thường giá trị rừng. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định xử lý các DN để mất rừng nhưng hình thức xử lý cũng chỉ là thu hồi dự án của 3 DN.
“Noi gương” tỉnh Đắk Nông, mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh này xử lý 9 DN để mất hơn 2.000 ha rừng trên địa bàn huyện Ea Súp. Đối với các dự án đã có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh, chưa triển khai hoặc đã triển khai dự án nhưng để xảy ra phá rừng với diện tích lớn, sở đề nghị UBND tỉnh tạm đình chỉ các hoạt động để điều tra, xử lý; bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng và trồng lại rừng trên diện tích bị phá.
Rao bán đất rừng trên mạng Theo quy định, các DN được cho thuê đất lâm nghiệp để trồng cao su, quản lý bảo vệ rừng phải có năng lực tài chính, có dự án đầu tư, nghiêm cấm mua bán dự án để trục lợi.
Tuy nhiên, hiện nay, nếu tìm kiếm trên Google.com sẽ thấy hàng chục dự án được rao bán. Tại website Rongbay.com có thông tin cần bán 500 ha đất trồng cao su tại huyện Ea H’Leo - Đắk Lắk.
Người đăng nhập cho biết vị trí đất bằng phẳng, có sổ đỏ, vì không còn nhu cầu trồng cao su nên bán với giá 23 triệu đồng/ha. Còn website Nhadat21.com cũng đang rao bán 1.500 ha đất trồng cao su tại huyện Ea H’Leo với giá 25 triệu đồng/ha.
Đất đã có dự án, có quyết định cho thuê đất của tỉnh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đất chưa được khai hoang nên khách hàng có quyền sử dụng gỗ thu hoạch trên đất, trữ lượng gỗ khoảng 50 m3/ha.
Tại website Muaban.net cũng rao bán 200 ha dự án trồng cao su ở huyện Tuy Đức - Đắk Nông, đất có sổ đỏ cấp năm 2008, người bán sẽ bao sang tên; trong 200 ha có 42 ha là đất trống, còn 148 ha là cây rừng, đã có giấy phép khai thác gỗ và giấy phép trồng cao su… |
Kỳ tới: Rừng Sông Hinh kêu cứu
Bình luận (0)