Từ ngày 2 đến 5-1, TP HCM đã xảy ra 2 sự cố ngập khu dân cư bởi cống ngăn triều mất tác dụng. Đáng nói, tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Mất tác dụng
Đêm 2-1, cống Cán Dù (phường Thạnh Xuân, quận 12) bị bung trong thời điểm nước triều đang dâng đã gây ngập khu dân cư Thạnh Xuân. Chưa dừng lại, dòng nước tiếp tục dồn về cống ngăn triều dưới cầu Ga 5 (phường Thạnh Lộc, cũng thuộc địa bàn quận 12) gây ngập hàng trăm nhà dân khu vực này. Nước ngập lênh láng từ nhà dân tràn đến cả khu chợ tạm gây thiệt hại cho tiểu thương.
Chỉ 3 ngày sau, một cống ngăn triều khác ở cuối hẻm 42 đường Tam Bình, phường Tam Phú, quận Thủ Đức gặp sự cố không đóng lại được. Do nước tràn vào ban đêm nên nhiều hộ dân trở tay không kịp. Nghiêm trọng nhất là các vườn mai đang vào thời điểm cuối năm chuẩn bị bán Tết ngập nặng khiến nhiều nhà vườn bị thiệt hại.
Chị Nguyễn Thị Lụa, tiểu thương ở khu chợ tạm Ngã Tư Ga (khu phố 3A, phường Thạnh Lộc), cho biết hôm đó nghỉ lễ vào buổi sáng nên không kịp dọn đồ đạc trong cửa hàng. Rất nhiều hàng hóa như máy kẹp điện, quần áo, mỹ phẩm… bị hư hỏng với tổng số tiền thiệt hại hơn 60 triệu đồng. Theo chị Lụa, từ nhiều năm qua, khu dân cư cũng như chợ tạm trên đã bị ngập mỗi tháng 2 lần theo sự lên xuống của thủy triều dù được bảo vệ bởi cống ngăn triều!
Còn ở điểm ngập phường Tam Phú, quận Thủ Đức, nhiều người ở trọ cũng bức xúc cho biết dù có cống ngăn triều nhưng vào các đợt triều cường là lập tức xảy ra tình trạng ngập úng kéo dài. “Cống ngăn triều khi đã mất tác dụng thì phải nói là gây họa khôn lường. Nước bị giữ lại lâu hơn vì cống vô tình cản đường nước rút” - ông Thanh, một hộ trồng mai Tết, nhận định.
Bị phá hoại (!?)
Nguyên nhân của sự cố ngập ở phường Tam Phú, quận Thủ Đức, theo những người dân địa phương là do rác từ bên ngoài kênh trôi vào khiến nắp cống ngăn triều không đóng lại được. Ngoài ra, các hộ dân còn cho rằng lực lượng quản lý đê điều của phường không kiểm tra và lấy rác trong các bọng cống nên mới xảy ra sự việc trên. Còn nguyên nhân cống ngăn triều Cán Dù gây ngập được địa phương giải thích là do có tình trạng người trồng rau muống dùng đá kê cửa cống ngăn triều để lấy nước tưới tiêu khiến cống mất tác dụng.
Theo tìm hiểu, hiện các cống ngăn triều trên địa bàn TP do nhiều đơn vị như Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP HCM (gọi tắt là Trung tâm chống ngập - TTCN), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP và các quận, huyện quản lý. Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc TTCN, cho biết TP có hơn 1.000 cống ngăn triều và khoảng vài trăm cái như cống Cán Dù. “Các cống ngăn triều bị hư ngoài nguyên nhân do vận hành theo thời gian thì nhiều trường hợp do người dân can thiệp” - ông Công nói và cho biết công an đã mời những người trồng rau muống lên làm việc, nhắc nhở.
Còn theo Công ty Thoát nước đô thị TP,̀ đơn vị này đang nhận duy tu khoảng 500 cống do TTCN bàn giao và các quận, huyện có khoảng 500 cống khác nhau. Một cán bộ Công ty Thoát nước đô thị TP cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cống ngăn triều mất tác dụng, như: các ghe chở cát móc dây neo vào các van nên khi nước triều lên kéo gãy các tai van ngăn triều; người dân dùng vật cản để kênh cống ngăn triều nhằm lấy nước tưới tiêu, làm cho rác tràn vào cống. Nghiêm trọng hơn, nhiều đối tượng xấu lấy cắp nắp cống bằng sắt để bán; tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở khu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và bến Phú Định.
“Chúng tôi đang thử nghiệm nắp ngăn triều mới bằng vật liệu nhựa gỗ WPC để làm “nản lòng” bọn trộm do không tái chế được. Một van ngăn triều đường cống phi 600 có giá hơn 10 triệu đồng nhưng bọn trộm lấy cắp bán chỉ vài trăm ngàn đồng và hậu quả rất lớn, cả một khu dân cư có nguy cơ ngập nặng khi triều dâng cao” - vị này cho biết.
Liên quan đến tình trạng cống ngăn triều phản tác dụng ở quận 12, khi đi kiểm tra thực tế, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhận định sự cố trên là do TTCN ôm nhiều việc quá và chỉ đạo TTCN nên mạnh dạn phân cấp. Về vấn đề quản lý cống ngăn triều còn nhiều sơ hở, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP, yêu cầu TTCN rà soát lại toàn bộ cống ngăn triều trên toàn TP để kiểm tra và xử lý kịp thời, tránh xảy ra những sự cố tương tự. Phó Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo TTCN nhanh chóng báo cáo về phương án bàn giao các cống ngăn triều cho địa phương cũng như cơ chế phối hợp trong lúc vận hành bình thường và khi hữu sự.
Chiều 6-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo TTCN cho biết không có nhiều khó khăn trong việc bàn giao các cống ngăn triều về cho quận, huyện quản lý và đang rà soát, gấp rút để báo cáo UBND TP.
Phải bồi thường!
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết sự cố vỡ cống ngăn triều ảnh hưởng khoảng 250 hộ dân của 2 phường Thạnh Lộc và Thạnh Xuân, trong đó có 110 hộ bị ảnh hưởng nặng và chính quyền đang tính toán hỗ trợ.
Theo nhiều tiểu thương trong chợ tạm, sự cố vỡ cống đã được người dân phản ánh nhưng không được khắc phục nên mới gây nhiều thiệt hại như vậy. Do đó, đơn vị quản lý phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân chứ không chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ.
Bình luận (0)