Sáng 15-5, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết vừa làm việc với Liên đoàn Lao động Bình Dương, qua đó cho thấy quanh các nhà máy xí nghiệp ở Bình Dương tình hình an ninh trật tự cơ bản đã ổn định.
Theo số liệu báo cáo, có khoảng 460 doanh nghiệp ở Bình Dương bị đập phá công ty, 16 doanh nghiệp bị đốt (phần lớn là các doanh nghiệp vốn Trung Quốc, Đài Loan – PV).
Sáng cùng ngày, phóng viên báo Người Lao Động khảo sát các KCN từng xảy ra nạn đập phá, phóng hỏa như KCN Việt Nam – Singapore, KCN Sóng Thần… ghi nhận tình hình đã dịu lắng. Nhiều công nhân đã trở lại giúp công ty dọn dẹp với hy vọng sớm được trở lại làm việc.
Trong các tuyến đường nội bộ KCN cũng như các trục đường lớn ở Bình Dương như Quốc lộ 13, ĐT 743…không còn cảnh các đối tượng quá khích “đi bão”. Lực lượng Cảnh sát Cơ động sáng nay còn túc trực ở một số nhà máy có vốn Trung Quốc, Đài Loan.
Ông Chính đã chỉ đạo LĐLĐ Bình Dương tập trung lực lượng đi vào các khu nhà trọ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để công nhân không bị lợi dụng, lôi kéo làm chuyện trái pháp luật. Đối với các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở chọn một số nhân tố nòng cốt phối hợp với bảo vệ doanh nghiệp bảo vệ nhà máy. “Hôm qua đến nay, nhờ công an, tình hình đã được kiểm soát tốt nhưng cũng phải cảnh giác” – ông Chính nói.
Công nhân công ty Long Huei VN (KCN Sóng Thần) trở lại nhà máy với hy vọng sớm ổn định việc làm
Phóng viên ghi nhận tại một số doanh nghiệp bị thiêu rụi, không ít công nhân Bình Dương trở lại để hỏi các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…nhưng người của doanh nghiệp thông báo chưa thể giải quyết.
Ông Chính khuyến cáo: “Doanh nghiệp đang ở trong tình trạng này thì khó mà giải quyết được. Việc đâu còn có đó. Công nhân hãy bình tĩnh, cùng doanh nghiệp vượt khó khăn!”.
Bình luận (0)